Tuy nhiên, theo như đánh giá của TS Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) thì giáo dục mở tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về tài chính, chính sách phát triển, chất lượng nhân sự và hạ tầng để đáp ứng nhu cầu người học.
“ĐH không tường”
Nhận xét về xu hướng phát triển của GDM trên thế giới, theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương và các cộng sự, GDM đang phát triển nhanh và trở thành một trào lưu chính thống. Chỉ tính trong GD ĐH, phong trào tài nguyên GDM đã phát triển rộng rãi với gần 6.200 khoá học được mở truy cập do hơn 200 trường ĐH trên thế giới cung cấp với hơn 2,25 triệu lượt truy cập vào năm 2009. Đến nay, hơn 800 trường ĐH trên thế giới đã đưa ra các chương trình học theo phương thức MOOC (Massive Open Online Courses - khóa học đại trà trực tuyến mở).
Cùng với các trường ĐH, một số tổ chức đang cung cấp hình thức GD này với một số lượng lớn người dùng. Tính chung, số khoá học mở được cung cấp mỗi năm bởi các tổ chức này lên đến 9.400 khóa. Ở khắp châu Á, GDM trong thời gian gần đây cũng được phát triển rộng rãi như một chiến thuật để giải quyết tình trạng không bình đẳng trong việc tiếp cận tài nguyên học tập chất lượng cao cũng như nhu cầu ngày càng tăng về GD ĐH.
Hiện tại, Việt Nam đã có hai tổ chức lớn liên quan đến công nghệ mở, đó là VFOSSA với các hội viên là các công ty công nghệ và các tổ chức quan tâm đến công nghệ mở, và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quốc gia về Công nghệ mở (RDOT) với mục đích thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mở cho cả khu vực công và tư nhân. “Tuy nhiên, các chương trình trực tuyến được triển khai ở nhiều trường ĐH tại Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các lợi thế của công nghệ thông tin, công nghệ trực tuyến trong việc tổ chức đào tạo” - TS Nguyễn Thị Mỹ Hương nhận xét.
Ảnh minh họa |
Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) cũng cho rằng, hình thức GDM đang đối mặt với những thách thức như khả năng tái sử dụng, sự phân mảnh do các dự án GDM hiện nay có kho lưu trữ riêng chủ yếu của các tổ chức riêng lẻ. Sự kết nối và trao đổi chỉ phổ biến đối với các đồng nghiệp trong cùng một tổ chức và không có sự kết nối với các tổ chức khác. Điều này làm giảm hiệu suất của các tổ chức, giảm hiệu quả của GDM và hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn tài liệu trong các ngành nghề khác nhau đồng thời gia tăng chi phí cho các tổ chức.
Ngoài ra, GDM còn gặp khó khăn trong kiểm soát chất lượng, tính bền vững và kinh phí đầu tư cũng như sự chia sẻ, chỉnh sửa và đóng góp cho các tài nguyên GDM của người dùng và cộng đồng gặp khó khăn do rào cản được tạo ra từ quyền sở hữu trí tuệ. Chưa kể, thách thức chính của GDM ở Việt Nam là thiếu chính sách chỉ đạo cụ thể từ Nhà nước và nhận thức về lợi ích của GDM trong các nhà trường ở mọi cấp còn thấp.
Xây dựng hệ sinh thái cho GDM
Theo đề xuất của TS Mỹ Hương, cần gia tăng sự liên kết giữa các tổ chức trong GDM ở Việt Nam nhằm hạn chế sự phân mảnh, đồng thời khuyến khích các trường ĐH hợp tác để xây dựng và nâng cao năng lực quản lý đồng thời thúc đẩy văn hoá chia sẻ trong cộng đồng Việt Nam như chia sẻ trên hệ thống những nguồn học liệu mà các trường đã có sẵn như bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo, luận văn, luận án, đề tài khoa học bằng việc liên kết tạo ra các nguồn tài liệu để lưu trữ và truy cập mở.
“Thông qua việc thiết lập các mối hợp tác trong ngành GD và liên hệ với bên ngoài, chúng ta sẽ thúc đẩy được việc tạo lập một hệ sinh thái về GDM và tài nguyên GD mở ở trên toàn quốc, xây dựng 1 - 2 nguồn tài nguyên GDM cho toàn Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo và truyền thông để nâng cao năng lực và tầm nhìn của ngành GD và toàn xã hội về GDM, cũng như các vấn đề pháp lý về bản quyền phát sinh” - TS Nguyễn Thị Mỹ Hương gợi ý.
Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng), để hạn chế nguồn tài nguyên có chất lượng thấp, có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu thập và xử lý chính xác hơn phản hồi của người học. Các biện pháp đánh giá tài nguyên mở và các chương trình GDM nói chung thông qua xếp hạng, phản hồi, số lần sử dụng, hay sự thích thú của người sử dụng cần được tiến hành rộng rãi và thường xuyên. Đồng thời, việc tiếp thu, cải tiến các nguồn tài nguyên GDM và chương trình GDM từ các trường, các tổ chức có danh tiếng và có uy tín trên thế giới cần được đẩy mạnh. Việc cải thiện chất lượng nguồn tài nguyên của GDM là một vấn đề bức thiết đòi hỏi có sự tham gia tích cực của các tổ chức có năng lực về nhân sự và tài chính. Một số công nghệ mới, như BlockChain, có thể được sử dụng để đảm bảo việc chia sẻ và đóng góp vào các nguồn tài nguyên mở diễn ra công khai và công bằng.
TS Nguyễn Thị Mỹ Hương cho rằng, GDM ở Việt Nam nên lựa chọn mô hình phát triển dựa vào cộng đồng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các doanh nghiệp. Dựa vào thực tế là GDM sẽ giảm thiểu nguồn kinh phí lớn cho việc đào tạo tại hệ thống GD truyền thống không chỉ đối với GD ĐH mà cả từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học tại Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực của đội ngũ lao động trong xã hội, nên xã hội cần đầu tư mạnh mẽ vào GDM.