Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục, đại diện một số tổ chức, đơn vị và các cơ sở giáo dục đào tạo.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời cho biết: “Tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một Đề án quan trọng, xác định những mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục thường xuyên ngắn hạn và trung hạn. Trong tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên, không nên đặt vấn đề xóa mù chữ cơ bản mà phải xóa mù chức năng cho người lao động trong các lĩnh vực sản xuất áp dụng công nghệ cao và nông dân có trang trại chăn nuôi, trồng trọt dưới hình thức những doanh nghiệp nông nghiệp. Khoảng 10 năm tới, giáo dục thường xuyên phải là hệ thống giáo dục mở. Vào năm 2030, chúng ta sẽ có nhiều trường đại học cộng đồng, nhiều trường đại học dành cho người cao tuổi. Mọi người tham gia các khóa học ảo, lớp học ảo, thí nghiệm ảo…
Giáo sư Phạm Tất Dong nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xếp giáo dục thường xuyên ngang với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; cân đối lại ngân sách đầu tư cả 4 lĩnh vực giáo dục này.
Đề cập đến bộ tiêu chí đánh giá giáo dục thường xuyên, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, có 3 loại hoạt động cần được xây dựng các tiêu chí đánh giá bao gồm: những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên hiện đang được triển khai và sẽ phải tổng kết vào năm 2025 (xóa mù chữ cơ bản, các mô hình học tập trên địa bàn cấp xã…); những hoạt động sẽ bắt đầu tiến hành từ năm 2020, cần dự báo kết quả phát triển ít nhất là năm 2030 (mô hình công dân học tập, thành phố học tập, học tập bằng smartphone, tài nguyên giáo dục mở…); những hoạt động được tổ chức để tiếp cận với xu thế giáo dục người lớn của thế giới hiện đại, sẽ tiến hành sau đó vài ba năm (đại học cộng đồng, hệ thống giáo dục thường xuyên mở, trường đại học dành cho người cao tuổi…).
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: Giáo dục thường xuyên cần xã hội hóa nhiều hơn, không chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước vì việc học tập gắn với quyền lợi thiết thực của người học. Đồng thời, nên có chỉ số đánh giá các đơn vị, tổ chức ngoài công lập thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên. Các đơn vị, tổ chức cũng cần tạo điều kiện về thời gian và kinh phí để người lao động có cơ hội học tập thường xuyên.
Đề cập đến một số xu thế của giáo dục đào tạo trong tương lai, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT cho biết: Hệ thống giáo dục sẽ mang tính mở, cơ chế chuyển đổi tín chỉ sẽ công nhận những nội dung học tập bằng các hình thức khác nhau. Do vậy, giáo dục thường xuyên sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Ranh giới giữa chính quy và thường xuyên sẽ ngày càng mờ nhạt và chồng lên nhau. Ví dụ như, số giờ học tập qua mạng, tự học có hướng dẫn sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, nhà trường sẽ chỉ định hướng nội dung, sau đó tổ chức kiểm định và cấp bằng. Việc học tập theo hướng mở nhưng vẫn được cấp bằng chính quy.
Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giáo dục thường xuyên phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động trong thời gian tới, đảm bảo song hành cùng giáo dục chính quy, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi công dân từ trẻ em đến người già. Việc xây dựng các tiêu chí phải đảm bảo đo lường được, không sử dụng các tiêu chí chung chung. Các tiêu chí được khái quát lại, trở thành thước đo cho mọi vùng miền, gắn với chỉ số đo lường quốc gia.