Tác giả kịch bản sân khấu 'Đồng tiền Vạn lịch': Tinh thần lãng mạn, lạc quan cách mạng

GD&TĐ - Nhà báo Nguyễn Trung Đông, tác giả kịch bản sân khấu “Dòng suối trắng”, “Đồng tiền Vạn lịch”, tiểu thuyết “Gió ấm”… mất hồi tháng 7/2022, hưởng thọ 78 tuổi.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Những ngày bố ốm nặng, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy – tác giả Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã đọc lại những cuốn sách của cha để chia sẻ cùng ông những kỷ niệm về các nhân vật trong tác phẩm.

Nhà báo chiến trường dũng cảm, xông xáo

Những trang viết của nhà báo, tác giả kịch bản sân khấu Nguyễn Trung Đông (sinh năm 1945) luôn ấm áp và lôi cuốn bởi chan chứa trong đó tình yêu cuộc sống, con người khắp mọi miền Tổ quốc. Dù là viết về chiến tranh biên giới năm 1979, hay về cuộc chiến chống Phun rô ở Tây Nguyên, các trang viết của ông luôn toát lên tinh thần lãng mạn, lạc quan cách mạng và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc hết sức nhân văn.

Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp năm 1967, nhà báo Nguyễn Trung Đông về công tác tại báo Nhân Dân suốt 44 năm cho đến khi nghỉ hưu năm 2011. Dũng cảm xông xáo, nhà báo chiến trường này đã từng có mặt ở tuyến lửa khu 4: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Vĩnh Linh những năm trước giải phóng. Ông đã từng có mặt ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn trong những ngày chiến tranh biên giới ác liệt năm 1979.

Chia sẻ về cha, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy nghẹn ngào: “Bố mình kể có lần đã suýt chết khi bám theo đoàn xe chở xăng vào chiến trường biên giới. Nhiều người bạn khoa Văn của bố đã hy sinh trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968”.

Nhà báo Trung Đông đã từng là phóng viên thường trú tại Nghệ An những năm chiến tranh khốc liệt 1970 - 1972. Có lần ở đây, ông đạp xe cả trăm cây số đến Đô Lương vì nghe tin ở đó bắn hạ được máy bay Mỹ và có tù binh phi công mà ông muốn phỏng vấn. Đoàn Hà Nội vào bổ sung lực lượng khi đó có nhà báo Phạm Thanh vẫn còn nhớ kể lại đã gặp nhà báo Trung Đông đạp xe về bê bết bùn khắp người và xe.

Vốn sống thực tế phong phú ở nhiều vùng miền, những trải nghiệm chiến tranh ác liệt, đối diện với cái chết trong gang tấc, cảm nhận nỗi đau mất mát đến quặn lòng của nhân dân và bạn bè đồng nghiệp… đã giúp nhà báo Trung Đông trở thành một cây viết xuất sắc những năm 1970 - 1980. Tình cảm ấp ủ và mong muốn nung nấu sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu phác họa lại chân dung dân tộc trong những cuộc chiến mà ông từng lăn lộn ghi chép.

“Tuổi thơ của ba chị em mình gắn bó với những buổi tối đến nhà hát xem bố và đạo diễn dựng vở. Đó là cả một thế giới lung linh đặc biệt với ánh đèn sân khấu, các khung cảnh trang trí thay đổi sau mỗi màn diễn, giọng các diễn viên hội thoại các câu văn do bố mình viết, cả các ca từ trong các làn điệu cải lương và chèo do ông sáng tác”, nữ họa sĩ Thu Thuỷ nghẹn ngào kể.

Nhà báo Nguyễn Trung Đông (trái) và anh trai là nhà văn Hồ Phương.

Nhà báo Nguyễn Trung Đông (trái) và anh trai là nhà văn Hồ Phương.

Đam mê với cảm xúc sáng tạo tuôn trào

Nhà báo Trung Đông nổi tiếng với vở cải lương Dòng suối trắng kể về mối tình oan nghiệt của một đôi trai gái người Mông trong bối cảnh cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do Đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn. Tác phẩm đã đoạt giải Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980.

Vở diễn này vào thời điểm đó gây tiếng vang trong làng sân khấu khi được nhiều đoàn cải lương trong nước dựng lại. Với hơn một nghìn đêm diễn, mỗi đêm diễn tại rạp có từ 500 đến 600 khán giả, còn các đêm lưu diễn ngoài trời ở các sân bóng lên đến hàng nghìn người.

“Bố mình từng kể lại kỷ niệm khi đi cùng đoàn phóng viên viết bài ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tình cờ đi qua sân vận động thấy treo pano quảng cáo vở “Dòng suối trắng”, ông đã vào xem.

Hôm đó thật đặc biệt, khi nhân vật A Hoa diễn đến đoạn cao trào đau khổ và ngửa mặt lên trời than “Trời ơi! Trời có thấu được nỗi đau này chăng?” thì trời nổi sấm chớp ầm ầm, giông tố nổi lên. Bố rất tâm đắc vì cảnh thiên nhiên như hòa vào vở diễn.

Trời mưa to như trút nhưng không khán giả nào bỏ về, họ ngồi lại xem đến khi vở diễn kết thúc. Sau khi mọi người ra về là cảnh tượng nước mưa ngập sân vận động và hàng trăm chiếc dép tông nổi bồng bềnh”, hoạ sĩ Thu Thuỷ chia sẻ.

Thập niên 1980 hầu như năm nào nhà báo Trung Đông cũng viết kịch bản sân khấu mới. Ông viết hăng say và đam mê với cảm xúc sáng tạo tuôn trào. Khi đó Sân khấu và Điện ảnh là món ăn tinh thần chính của xã hội. Mỗi tối các gia đình nườm nượp kéo nhau đến nhà hát.

“Mình còn nhớ bố đã rất hồi hộp xem sự đón nhận của công chúng và giới phê bình sân khấu mỗi lần một vở mới được công diễn. Ông nở nụ cười tươi rạng rỡ khi những tràng pháo tay không ngớt vang lên. Chúng mình vô cùng tự hào về bố mỗi khi ánh đèn sân khấu rọi sáng tấm rèm nhung được kéo sang hai bên và giọng đọc giới thiệu vở diễn trầm ấm vang lên nhắc tên tác giả kịch bản Nguyễn Trung Đông.

Ở nhà, khi bố viết lời cho các làn điệu chèo và cải lương bố thường cất tiếng hát thành lời, nhắc đi nhắc lại các câu tâm đắc. Máu văn chương nghệ sĩ của bố truyền cho ba chị em mình chắc từ đó. Ông có nhiều đóng góp khi sáng tác lời mới mang tính văn học cho các làn điệu cải lương và chèo truyền thống”, Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ nhớ lại.

Năm 1985, nhà báo Trung Đông viết kịch bản vở chèo “Đồng tiền Vạn lịch” cho đoàn chèo Hà Nội. Đây là một trong những tác phẩm sân khấu được chọn diễn tại Hội trường Ba Đình phục vụ kỳ họp Quốc hội khóa VII đã gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó.

Nhà báo Trung Đông viết vở chèo này dựa trên câu chuyện dân gian để nói về thói hư tật xấu của quan chức biến chất qua vai “ông quan đánh dậm” với sự đạo diễn tài tình của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Vở diễn này được trình diễn hàng trăm xuất diễn ở rạp Đại Nam và cũng đoạt giải A Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985.

Một vở diễn nữa của nhà báo Trung Đông cũng đoạt giải A mà về sau là Giải Bông Sen Vàng của Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Đó là vở cải lương Hai phương trời thương nhớ do đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng, NSND Ngọc Dư đạo diễn.

Đây là câu chuyện về anh bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Khi đó ông đã rất sáng tạo đưa ra sáng kiến dựng sân khấu ước lệ hai tầng để thể hiện hai không gian đồng hiện ở Việt Nam và Campuchia.

Ngoài gần 20 kịch bản sân khấu, hàng ngàn bài báo, nhà báo Trung Đông còn viết 20 cuốn sách, trong đó 10 cuốn xuất bản ở NXB Quân đội và 10 cuốn xuất bản ở NXB Phụ nữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.