NSƯT Vũ Luân: Mang cải lương đến sân khấu Thanh Bình Từ đường

GD&TĐ - Tối 24/7, người dân kiệt 281 đường Chi Lăng (phường Phú Hiệp, thành phố Huế) vui mừng vì có NSƯT Vũ Luân cùng các nghệ sĩ Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đến biểu diễn phục vụ.

NSƯT Vũ Luân trong vai Lương Sơn Bá tại sân khấu Thanh Bình Từ đường vào đêm 24/7/2020. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn.
NSƯT Vũ Luân trong vai Lương Sơn Bá tại sân khấu Thanh Bình Từ đường vào đêm 24/7/2020. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn.

Nơi đây vốn là Thanh Bình Thự, nơi ở và tập luyện của các nghệ nhân hát bội (tuồng) dưới thời nhà Nguyễn. Bởi vậy, người dân ở đây được gọi là dân “Xóm hát bội”.

Sự tri ân

Đây là lần đầu tiên, NSƯT Vũ Luân đến với sân khấu Thanh Bình Từ đường, nơi có nhà thờ Tổ nghề hát bội và xướng ca của cả nước. Trong vai Lương Sơn Bá, NSƯT Vũ Luân đã khiến các khán giả xứ Huế sống lại thời vàng son của nghệ thuật cải lương tuổng cổ. Nhiều khán giả lần đầu tiên nhìn thấy được thần tượng của mình đã không kìm được cảm xúc.

NSƯT Vũ Luân (sinh năm 1972) là ngôi sao cải lương thế hệ sau thời của NSƯT Vũ Linh, NSƯT Kim Tử Long. Nhân vật Lương Sơn Bá mà anh thể hiện tại sân khấu Thanh Bình Từ đường chính là vai diễn kinh điển của anh. Đây chính là sự tri ân của anh đối với Tổ nghề và với khán giả xứ Huế, những người đã hâm mộ tiếng hát của “hoàng tử cải lương” hàng chục năm qua.

Đây cũng là lần thứ hai các nghệ sĩ Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Đồng Nai) đến với sân khấu Thanh Bình Từ đường để hát phụng cúng Tổ nghề. Năm 2017, đoàn đã đến biểu diễn phục vụ khán giả tại “Xóm hát bội”.

Buổi biểu diễn kéo dài từ 7 giờ tối đến 1 giờ 30 phút sáng hôm sau. 27 năm trước, NSƯT Ngọc Khanh (Trưởng đoàn Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh) cũng có dịp đến Huế khi tham gia Liên hoan Những trích đoạn tuồng hay toàn quốc và viếng thăm Thanh Bình Từ đường.

NSƯT Ngọc Khanh cho biết: Năm 1990, Câu lạc bộ Thể nghiệm Sân khấu Truyền thống (tiền thân của đoàn Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh) thuộc Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. 30 năm qua, biết bao thăng trầm trên bước đường nghệ thuật nhưng cũng nhờ sự mến thương của khán giả, lòng yêu nghề của các nghệ sĩ, đoàn đã không ngừng cải tiến và phát huy nghề nghiệp.

Kỷ niệm 30 năm thành lập đoàn, các nghệ sĩ đã quyết định hát phụng cúng Tổ nghề trong hai ngày tại sân khấu Thanh Bình Từ đường như một sự tri ân.

Đoàn diễn lớp “Đại Bội” và kịch bản “Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt” vào đêm 23/7 và diễn vở “Ngũ sắc châu” vào đêm 24/7.
Về với tổ nghề

Ông Trần Ngọc Lợi, 93 tuổi, người hơn 60 năm giữ hương khói ngôi từ đường cho biết thêm: Thanh Bình Thự được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825), dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội hát bội Việt Tường trong cung cấm.

Các sân dài và rộng trước Thanh Bình Từ đường hiện nay trước đây là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập. Dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. Đối với Thanh Bình Từ đường, chính giữa ngôi từ đường này là bàn thờ các vị Tổ ngành xướng ca của cả nước.

Tại đây có bài vị Càn Cương Hầu, được tôn xưng là ông Tổ ngành hát bội và hậu tổ hát bội là cụ Đào Tấn. Bên ngoài còn có 2 án thờ ở hai bên tả hữu (trái phải). Trong đó, án bên tả thờ các nghệ nhân quá cố như Đào Duy Từ, người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật hát bội nước nhà. 

Thanh Bình Từ đường được công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 776QÐ/VH ngày 23/6/1992 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) như sự tri ân đối với nghệ thuật sân khấu. 

Không chỉ có Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh, năm 2018, đoàn cải lương Sông Hương (trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đã đến biểu diễn phục vụ người dân xóm Thanh Bình với vở “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Lá Sầu Riêng”, “Lan và Điệp”… Đoàn cải lương Sông Hương trước đây rất nổi tiếng. Nay đoàn mới được khôi phục lại nên những tràng pháo tay, sự ủng hộ vật chất tùy tâm từ khán giả xóm Thanh Bình… chính là động lực để các nghệ sĩ của đoàn theo nghề trong thời gian tới. 

Nói về sự hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật hát bội, NSƯT Ngọc Khanh (Trưởng đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh) nhận định: “Sân khấu hát bội đầy tính nhân văn, phản ánh rất rõ những tích cực và tiêu cực của xã hội qua mỗi thời đại, mỗi thời kỳ lịch sử, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín mà đặc biệt là chuyên chở những tâm tư ước vọng của nhân dân ta. Vì vậy nghệ thuật hát bội đã đi sâu vào trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là một trong những nền tảng quý báu của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…

Dưới sự hội nhập văn hóa thế giới, mỗi thời đại đều có những loại hình văn hóa mới xuất hiện và cái cũ thường rơi vào quên lãng. Trên thực tế, loại hình nghệ thuật hát bội cũng rơi vào tình trạng ấy. Đó là điều mà chúng tôi cứ đau đáu trong lòng khi sàn diễn hát bội cứ bị thu hẹp dần”.

Ngàn xưa âm vọng

NSƯT Vũ Luân: Mang cải lương đến sân khấu Thanh Bình Từ đường ảnh 1

Sử sách ghi chép tuồng (hát bội) hình thành từ Bình Định rồi lan đến Phú Xuân ở Đàng Trong, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung đình Huế. Dưới thời Nguyễn Phúc Chu đã có đoàn vũ nữ ngoài hát múa, còn diễn tuồng.

Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, chúa cho xây dựng nhiều cung điện nguy nga, trong đó có hiên Đồng Lạc là nơi để trình diễn tuồng, lại sai người tập trung nghệ sĩ tuồng ở triều đình, chú tâm xây dựng đội tuồng ở hoàng cung.

Nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình trong cuốn sách “Tuồng Huế”, có nhắc đến một tài liệu tranh của J.Barrow in tại Luân Đôn năm 1806, cho biết cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ XVIII ở Đàng Trong, mô tả cảnh hát tuồng thiết triều, rất đông khán giả đứng xem.

Đến đời vua Gia Long, triều đình đã tổ chức Việt Tường Đội đào tạo diễn viên tuồng. Đến triều Minh Mạng thì tuồng được hết sức quan tâm. Thanh Bình Thự, trường dạy diễn viên tuồng quy mô đầu tiên cả nước được thành lập năm 1825 và Duyệt Thị Đường, sân khấu tuồng hoàng cung được xây dựng năm 1826.

Dưới triều Tự Đức, tuồng phát triển rực rỡ, vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm đường (tại Khiêm cung) năm 1864, lại thành lập Ban Hiệu thư, chuyên sáng tác, chỉnh lý, hiệu đính các vở tuồng với sự điều khiển của chính vua Tự Đức.

Đào Tấn được vua tín nhiệm, sung vào Ban Hiệu thư lúc còn trẻ, đã sáng tác nhiều vở tuồng trong giai đoạn này. Vua Tự Đức còn tập hợp những nghệ nhân xuất sắc ở các làng, các tỉnh về Kinh có đến 300 người. Thời kỳ này sân khấu tuồng đạt tới đỉnh cao. Không chỉ vua, các thân vương, quan lại cũng rất mê tuồng.

Nhiều phủ có những đoàn hát bội riêng như các đoàn của Hải Ninh quận công, bà chúa Nhất, ông Hoàng Chín, bà chúa Tám, bà Từ Cung… Các rạp tuồng cũng được dựng lên như rạp của phủ Định Viễn Quận công con vua Gia Long, và các rạp của Diên Khánh Vương, Tuyên Hóa Công, Đào Tấn…

Khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, các nghệ sĩ tuồng từ Huế tỏa đi khắp nước để tìm kế mưu sinh và để giữ nghề. Tuy nhiên, cải lương, kịch nói, phim ảnh, nhạc tân thời... ngày càng được khán giả ưa chuộng.

Mặc dù vậy, sau năm 1975, Huế vẫn duy trì được 2 đoàn tuồng. Một đoàn trong biên chế nhà nước dưới tên Đoàn múa hát truyền thống, với 15 người và 10 nhạc công.

Một đoàn tuồng nghiệp dư khác, đó là Đoàn Thanh Bình được thành lập năm 1981 dưới sự bảo trợ của Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế. Vào năm 2006, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế được thành lập, với mong muốn bảo tồn tuồng Huế bên cạnh Nhã nhạc Cung đình và Múa Cung đình. Từ năm 2015, chương trình biểu diễn ở Duyệt Thị Đường đã dành 15/45 phút cho tuồng Huế và bước đầu được khán giả ủng hộ.

Tại Festival Huế 2020, Chương trình sự kiện nghệ thuật “Tuồng Huế - Ngàn xưa âm vọng” sẽ diễn ra tại Bình Thanh Từ đường, cung đường Chi Lăng – Lê Duẫn, Nghênh Lương Đình, cung đường Lê Duẫn – cửa Quảng Đức – đường 23/8 – cửa Hiển Nhơn. Chương trình gồm lễ tế Tổ sân khấu, rước mặt nạ tuồng trên đường phố, trình diễn trích đoạn tuồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.