Phát triển giao thông ĐBSCL: Trải đều hay tập trung?

GD&TĐ - Không chỉ với riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà bất kỳ địa phương nào, cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông - vận tải luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giao thông - vận tải phải đi trước mở đường, là mạch máu của nền kinh tế. Vậy nhưng câu hỏi là với những đặc thù như Đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển giao thông - vận tải sẽ theo hướng trải đều hay tập trung vào những loại hình có thế mạnh?

Hiện nay, toàn vùng mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc, hệ thống đường bộ chưa có sự kết nối thông suốt và chưa đồng bộ, 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng tại TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Đường thủy được coi là lợi thế nhưng phát triển còn manh mún, không đồng cấp về độ sâu... Căn nguyên của việc này, ngoài chuyện thiếu vốn, còn hàng loạt vấn đề khác đã được chỉ ra.

Như ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương là dù các cấp, các ngành đã ban hành, thực thi nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án nhằm hoàn thiện hê thống hạ tầng kỹ thuật của vùng nhưng những biện pháp này chủ yếu ứng phó mang tính cục bộ theo ngành, lĩnh vực và từng địa phương, thiếu tính tổng thể, liên kết  nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để giải quyết hiệu quả vấn đề hạ tầng của Đồng bằng sông Cửu Long cần xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ bài toán tổng thể với một tầm nhìn dài hạn trong sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội bằng những công cụ xác đáng, mang tính kết nối cao...

Đây là cách tiếp cận đúng, thế nhưng tại Hội thảo tham vấn cho Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề Định hướng tổ chức không gian và phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số ý kiến cho rằng, phát triển giao thông ở khu vực này không thể thực hiện theo kiểu dàn trải vì nhu cầu vốn rất lớn.

Cụ thể, quy hoạch của Bộ Giao thông - Vận  tải đề xuất mô hình giao thông đường bộ chia lưới thành 5 tuyến dọc và 6 tuyến ngang; đường thủy được chia lưới thành 5 tuyến dọc và 2 tuyến ngang, hướng tới phát triển không gian đồng đều; hành lang trung tâm là chiều dọc Cà Mau - Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh, các tuyến ngang đều kết nối một đầu với cửa khẩu và một đầu là các cảng biển, đi theo là các khu công nghiệp, khu đô thị…

Với định hướng này, sẽ cần tới nguồn vốn khổng lồ, trong khi nguồn lực hạn chế nên sẽ rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, dù Bộ Giao thông - Vận tải xác định đường thủy nội địa là thế mạnh, là đặc thù giao thông của vùng nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Một vấn đề nữa là hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông vùng mới bắt đầu được tập trung đầu tư, hệ thống kết nối nội vùng và liên vùng trên cơ sở các tuyến quốc lộ mới cơ bản hoàn chỉnh, tuy nhiên về cấp kỹ thuật và chất lượng mặt đường vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.

Bởi vậy, nên chăng cần ưu tiên lựa đầu tư cho hệ thống đường bộ vì khả năng phân kỳ đầu tư dễ dàng, tổng mức đầu tư không quá cao, có hiệu quả ngay, cho dù suất đầu tư tương đối cao.

Đầu tư cho hạ tầng giao thông đương nhiên cần nguồn vốn rất lớn và không chỉ đơn thuần là giải quyết các vấn đề trước mắt. Đây là động lực cho phát triển lâu dài, bởi vậy, cần lựa chọn chiến lược, loại hình phát triển phù hợp cả về nguồn lực và nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...