Nên dán tem cho đào?

GD&TĐ - Chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán nhưng các địa phương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc ứng xử với cây đào. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sơn La hiện có trên 5.000 ha trồng đào, chủ yếu do đồng bào dân tộc trồng ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà. Dán tem cho cây đào chính là sáng kiến của tỉnh này.

Mới đây, Sơn La đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho phép tỉnh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào – thông qua việc dán tem - để xác định nguồn gốc, xuất xứ vùng trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên. 

Trong khi đó, Lào Cai khẳng định sẽ không truy xuất nguồn gốc cây đào. Theo lý giải của lãnh đạo Sở NN&PTNT Lào Cai, kết quả kiểm tra cho thấy tỉnh chỉ có đào trồng vườn nhà nên không cần truy xuất. Hơn nữa, Tết đang tới gần, nếu dán tem cho cây đào sẽ kéo theo thủ tục phức tạp và triển khai không kịp. Với quan điểm như vậy, tỉnh đã đề nghị lực lượng kiểm lâm tạo điều kiện để người dân được mua bán cây đào trồng thuận lợi.

Tại Điện Biên, Lai Châu, các cơ quan chức năng đang rà soát diện tích trồng đào, đợi hướng dẫn từ Tổng cục Lâm nghiệp và khẳng định hầu như trên địa bàn không có đào rừng mọc tự nhiên. 

Dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào là giải pháp cần thiết để thực hiện chỉ đạo cấm chặt đào rừng chơi Tết của Thủ tướng. Tuy vậy, việc này cũng phát sinh nhiều vấn đề, mà dễ thấy nhất là có thể làm tăng thủ tục, chi phí cho người dân trồng đào. Diện tích đào trồng ở các tỉnh miền núi chủ yếu của bà con dân tộc, và đây là nguồn thu nhập chính của họ vào dịp Tết. Nay nếu phải chịu thêm thủ tục, chi phí để bán được đào thì thực sự “nặng gánh” với họ.

Phương án không dán tem truy xuất nguồn gốc của Lào Cai cũng hoàn toàn hợp lý trong điều kiện trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên, hoàn toàn là đào  trồng. Giải pháp này vừa thuận cho cơ quan quản lý, vừa lợi cho người dân trồng đào.

Vấn đề đặt ra là nếu tỉnh dán tem, tỉnh không thì sẽ làm khó cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Cùng mang về bán ở Hà Nội, đào Sơn La có dán tem, đào Lào Cai lại không, vậy làm thế nào để khẳng định đào không dán tem thực sự là đào rừng trồng chứ không phải đào rừng tự nhiên? Chưa kể, nơi dán tem, nơi không sẽ tạo ra sự không công bằng với người trồng đào, thậm chí ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của mặt hàng này. Cành đào dán tem chắc chắn giá sẽ cao hơn vì phải gánh thêm chi phí.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ chuyển đề xuất dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào đến Bộ NN&PTNT xem xét, giải đáp cụ thể. Bộ NN&PTNT cần sớm có câu trả lời để thống nhất cách làm giữa các địa phương, tránh ảnh hưởng tới người dân trồng đào – vốn chủ yếu là bà con miền núi cuộc sống còn rất khó khăn.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ