Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Không cấm bán "đào rừng" người dân trồng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định nội dung này tại cuộc họp báo sáng 4/1/2021. Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng chỉ cấm việc vào rừng chặt đào tự nhiên mang bán…

Cụ thể, tại cuộc họp báo, nói về kế hoạch điều hành kinh tế xã hội năm 2021 (thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2021), trước mắt là tổ chức Tết Nguyên đán Tân Sửu tới đây, người phát ngôn Chính phủ giải thích rõ hơn về ý chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến việc cấm chặt đào rừng chơi tết, Bộ trưởng nhấn mạnh lệnh cấm ở đây là cấm chặt đào trong rừng tự nhiên.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng mang về xuôi bán dịp Tết này có ý là nghiêm cấm việc phá đào ở trong rừng tự nhiên. Dịp Tết này, chỉ được khai thác, buôn bán "đào rừng" mà người dân tự trồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp báo thông tin về Nghị quyết 01, 02 năm 2021 của Chính phủ (ảnh: VGP).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc họp báo thông tin về Nghị quyết 01, 02 năm 2021 của Chính phủ (ảnh: VGP).

Bởi theo ông, việc chặt, bẻ đào rừng tự nhiên ảnh hưởng đến phát triển rừng, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan du lịch nên là hành vi bị cấm. Đây cũng là một trong những yêu cầu quan trọng của Nghị quyết 01 về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển phải gắn với bền vững, bảo vệ môi trường.

Trước đó, yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12/2020 nhấn mạnh yêu cầu "cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, đặc biệt là núi rừng Tây Bắc, mang về Hà Nội bán dịp tết". Thủ tướng nhận định, chặt phá, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ cây rừng là vi phạm.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 45/CP-TTg về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Giới thiệu về nội dung Nghị quyết 01 - Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề cập nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm Chính phủ đề ra cho các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 45.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh (500.000 ha). Chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Có giải pháp tổng thể phòng, chống thiên tai ở các vùng chịu nhiều rủi ro thiên tai.

Sức mua của người Việt cho thấy mức thu nhập ở mức 9.000USD

Liên quan đến những đánh giá về kết quả đạt được của năm 2020, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ..., Người phát ngôn Chính phủ nhận định khái quát về nhiều tiến bộ tích cực đã thể hiện.

 Công tác giảm nghèo, chính sách ưu đãi đối với người có công, người có hoàn cảnh khó khăn và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi mới và được cải thiện rõ rệt. 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu 50% đã đề ra; giảm tỉ lệ hộ nghèo đa chiều từ gần 10% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều vụ việc, vụ án lớn, nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Dẫn phát biểu mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá thành công, kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, không có lý do gì nói làm tốt công tác phòng chống tham nhũng là kìm hãm, chúng ta phải tiếp tục làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tạo ra sự minh bạch, lòng tin của nhân dân cả nước đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để đầu tư hiệu quả, phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong nước và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta chứng minh chúng ta đã có sự tăng trưởng rất thành công, rất ngoạn mục.

Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị để tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công tác này. "Chúng ta thấy có lẽ chưa bao giờ tình cảm, tấm lòng của người dân cả hướng về miền Trung bị ảnh hưởng của lũ bão lớn như vừa qua. Trên đường, cứ 3 xe thì có 2 xe chở hàng ủng hộ nhân dân miền Trung, vô cùng ấm áp, cảm động" - ông Dũng nói.

Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định, năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ngoài những con số, tín hiệu tích cực có thể thấy là thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. Ngân hàng thế giới (WB) thậm chí đánh giá, nếu tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình đầu người của  đạt tương đương gần 9.000 USD.

Báo cáo gần đây của UNDP đã xếp Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam vào nhóm phát triển cao của thế giới.

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.