Lộ ra sau bão số 9

GD&TĐ - Sau bão số 9, đi dọc các làng ven biển của Quảng Ngãi - nơi trực diện với cơn bão mới thấy hết sự tang thương của nó.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Suốt đêm 28/10, hàng nghìn gia đình đã phải đội mưa để dọn dẹp những gì mà cơn bão để lại, những mong có một chỗ trú thân khỏi ướt qua đêm. Trừ một số ít nhà mái bằng kiên cố, đa số đều là nhà cấp 4, lợp ngói hoặc tôn nên sau khi cơn bão đi qua, nhà chỉ còn trơ bốn bức tường!

Thật cầm lòng không đậu khi chứng kiến những cháu nhỏ đã phải vội vàng chạy bão không kịp mang theo sách vở, để bây giờ trở về ngôi nhà của mình, chúng nhặt lên từng tập vở, từng cuốn sách lấm lem bùn đất. Nước mưa đã nhòe cùng nước mắt các em! 

Bão số 9 được xếp vào loại “cuồng phong”, chỉ xếp sau “siêu bão” nên sự tàn phá của nó là điều không thể khác được. Tuy nhiên, bình tâm lại mà suy xét, sự trả giá của con người trước trận “cuồng phong” này là quá lớn, lẽ ra chúng ta gánh chịu hậu quả ít hơn.

Trước hết, xin nói về những cánh rừng phi lao ven biển. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã chọn cây phi lao để che chắn cho mình khi hình thành dọc biển những cánh rừng toàn loại cây này.

Nó vừa làm lá phổi cho cư dân ven biển, hạn chế nước biển theo gió thâm nhập vào ruộng đồng và làng mạc, vừa là “lá chắn” mỗi khi trời đất nổi cơn thịnh nộ bằng những trận bão như vừa rồi.

Thế nhưng, khi “con tôm lên ngôi”, các nhà khoa học đã “bày” cho dân phương pháp nuôi tôm trên cát, các cuộc “thảm sát” những cánh rừng phi lao đã diễn ra trong nhiều năm, nhường đất cho các hồ tôm.

Có thể, cuộc sống của người dân được cải thiện chút ít từ con tôm nuôi trên cát này nhưng cái giá mà họ phải trả thật đắt. Bên cạnh các hồ tôm “mọc” lên sau khi triệt hạ rừng phi lao, các mỏ ti tan dọc biển được các đại gia khai thác cũng góp phần xóa sổ những cánh rừng này.

Ở ven biển thì thế, còn ở vùng cao thì sao? Hai trận lở núi kinh hoàng xảy ra ngay sau khi cơn bão vừa tan ở hai huyện vùng cao Bắc Trà My và Phước Sơn của Quảng Nam làm trên 60 người lâm nạn nói lên điều gì?

Dĩ nhiên, bão số 9 là tác nhân chính, gây mưa lớn khiến núi lở, nhưng cũng phải thừa nhận một điều, những cánh rừng ngàn đời gắn bó với người dân vùng cao giờ không còn nữa. Nó đã nhường cho các công trình thủy điện mọc lên như nấm sau mưa suốt 10 năm qua.

Nên biết điều này: Trong những năm chống Mỹ, toàn bộ vùng Nam Trà My của Quảng Nam là căn cứ địa, nơi toàn bộ Khu ủy Khu 5 đóng đô ở đó mà Mỹ chẳng làm gì được nhờ vào những cánh rừng già. Bây giờ ở vùng này, rừng già chỉ còn trong ký ức của lớp người từng đi qua cuộc chiến tranh.

Bên cạnh các công trình thủy điện, các con đường cũng nối gót theo nó, tạo ra những “vực thẳm” bên cạnh các ngọn núi cao. Người Xê Đăng, người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam thường ở ổn định trong những ngôi làng của mình qua nhiều thế hệ nhưng các vụ lở núi chôn vùi cả làng như thế, hầu như chưa từng xảy ra.

Rồi sẽ có những cuộc mổ xẻ để tìm nguyên nhân các vụ sạt lở, song ngay từ bây giờ, chính quyền các cấp cũng nên chấm dứt việc cấp phép làm thủy điện và san ủi đường sá như đã từng, vì đòn trừng phạt của thiên nhiên không dừng lại ở hai trận lở núi ấy đâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ