Di sản và câu chuyện nhất thể hóa

GD&TĐ - Phân cấp quản lý di sản một cách chồng chéo đã và đang gây hạn chế cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thông qua việc nghiên cứu, trưng bày, quảng bá di vật, hiện vật khảo cổ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mấy ngày nay, giới nghiên cứu bảo tồn di sản đặc biệt quan tâm đến sự kiện thống nhất quản lý di tích đối với Di sản văn hoá thế giới – Hoàng thành Thăng Long.

Dù được UNESCO công nhận từ hàng chục năm trước, nhưng đến nay một trong tám cam kết của Việt Nam với tổ chức này vẫn chưa hoàn thành.

Toàn bộ diện tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới là 18,353 ha. Diện tích này không chỉ do TP Hà Nội quản lý, mà còn Bộ Quốc phòng và hai gia đình khác.

Hiện, còn 1,579 ha do Bộ Quốc phòng quản lý, gồm: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và trạm xăng dầu trên đường Nguyễn Tri Phương. 0,15 ha còn lại do gia đình lão thành cách mạng đang sử dụng.

Ngoài những phức tạp liên quan đến quản lý đất di tích, thì còn vấn đề rất “nóng” là quản lý di vật. Hoàng thành Thăng Long với số lượng hiện vật khai quật được ước tính khoảng vài triệu di vật khảo cổ. Số di vật này được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam quản lý và dần bàn giao cho TP Hà Nội.

Theo thoả thuận, phải đến năm 2025 việc bàn giao mới hoàn thành. Và nếu tính từ thời điểm bắt đầu khai quật đến khi bàn giao xong là khoảng hơn 20 năm. Việc chậm bàn giao không chỉ khiến cơ quan quản lý mà các nhà khoa học quan tâm đến di sản rất nóng lòng. Bởi lẽ, việc này sẽ gây hạn chế cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thông qua việc nghiên cứu, trưng bày, quảng bá di vật, hiện vật khảo cổ.

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, câu chuyện thống nhất quản lý được nhắc tới nhiều và TP Hà Nội cần đẩy mạnh nhất thể hóa quản lý.

Việc phân cấp quản lý chồng chéo không chỉ diễn ra ở Di sản Hoàng thành Thăng Long. Năm 2018, giới bảo tồn di sản “hú vía” khi di tích lịch sử cấp quốc gia hơn 300 năm – đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh suýt bị “xóa sổ” khi BQL dự án tỉnh Đồng Nai lập đề án.

Rồi mới đây, tại Thanh Hoá nhiều người phải sốt ruột với việc tu bổ di tích quốc gia đền Hổ Bái. UBND xã đại diện cho chủ đầu tư là UBND huyện cáo buộc nhà thầu. Nhà thầu giải thích là do gặp trục trặc trong khâu hoàn thiện hồ sơ sau hạ giải và bản vẽ thi công.

Trong khi đó, quyết định chủ trương thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, nơi có di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá.

Sự chồng chéo trong quản lý là nguyên nhân của những vụ việc di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Chồng chéo trong quản lý di tích cũng gây ra hiện tượng tranh chấp quản lý nguồn thu.

Câu chuyện nhất thể hoá quản lý di tích còn là bài toán nan giải. Chừng nào chưa phân cấp được đơn vị trực tiếp quản lý, lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm thì chừng đó giá trị di sản khó mà phát huy. Đó là chưa nói tới di tích dễ bị xâm phạm, biến hình méo mó, mà bài học về tu bổ chùa Trăm Gian ở Hà Nội từng là tấm gương tày liếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ