Bảo tồn, quảng bá di sản dưới góc nhìn thực tế ảo

GD&TĐ - Để thu hút du khách và quảng bá di sản, nhiều đơn vị đã tận dụng công nghệ thực tế ảo để quét không gian và dữ liệu hoá. Đây là câu chuyện mới, mở ra cánh cửa cho công tác bảo tồn.

Hình ảnh kiến trúc chùa Một Cột theo phục dựng của Sen Heritage.
Hình ảnh kiến trúc chùa Một Cột theo phục dựng của Sen Heritage.

Làm thế nào để thu hút du khách đến với di sản luôn là câu hỏi khó đối với ngành văn hoá. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều danh tích nhưng lượng du khách đến vẫn ở mức khiêm tốn. Và, một số chuyên gia sau những cuộc hội thảo “mổ xẻ” nguyên nhân cho rằng, chúng ta đã không tận dụng được công nghệ để quảng bá và níu giữ du khách.

Trong lúc đó, khi cuộc cách mạng 4.0 chưa bắt đầu, nhiều nước ở châu Á đã sử dụng công nghệ không gian 3D để số hoá di sản, thu hút du khách.

Với công nghệ thực tế ảo, du khách có thể xem chế độ toàn cảnh, chế độ trải nghiệm bước đi, chế độ xem nền… đem lại cảm giác như đang đi tham quan một vòng hết các ngóc ngách danh tích. 

Chùa Một Cột - Diên Hựu “lên hình”

“Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội) đã diễn ra đến hết ngày 30/11. Trưng bày nhằm đem đến cho du khách và những người yêu di sản Hà Nội cái nhìn tổng quát và chi tiết nhất về chùa Một Cột – Diên Hựu cách đây gần nghìn năm.

Trưng bày được tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL liên quan đến việc bảo tồn di tích và di sản văn hóa dân tộc.

Theo ban tổ chức, trưng bày lần này gồm các bức ảnh cổ thời Pháp chụp kiến trúc chùa Một Cột trong thời trị vì của nhà Nguyễn. Cùng với đó là ảnh ngôi chùa bị đánh sập năm 1954, ảnh phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng.

Kết hợp trưng bày có ảnh hiện vật của các bảo vật quốc gia như tượng Phật chùa Phật Tích (năm 1057), phiên bản cột đá chùa Dạm (năm 1094), bia Sùng Thiện Diên Linh (năm 1121) và các hiện vật thời Lý khai quật tại Hoàng thành Thăng Long.

Ngoài ra, sự kiện cũng trưng bày một số mô hình hiện vật và kiến trúc thời Lý như đầu rồng, lá đề song long hiến châu…

Điều đặc biệt là công chúng được chiêm ngắm mô hình phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột và chùa Diên Hựu thời Lý thông qua hình ảnh tranh 3D, phim 3D, sản phẩm công nghệ thực tế ảo (VR3D)...

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: Chùa Một Cột là một công trình kiến trúc đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, là biểu tượng nổi tiếng bậc nhất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Những hình ảnh thân quen của chùa Một Cột mà người Việt và khách quốc tế biết đến lâu nay là bản phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng với phong cách đời Nguyễn, sau khi chùa bị đánh mìn vào ngày 9/11/1954.

Trưng bày lần này phỏng dựng tổng thể chùa Diên Hựu và kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ số hóa thực tế ảo (VR3D). Từ hàng nghìn mảnh vỡ khảo cổ, từ hàng trăm hiện vật mỹ thuật còn lại sau bao thăng trầm lịch sử, lần đầu tiên, những sản phẩm của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp con người hiện đại có thể chiêm ngắm hình ảnh xưa cũ.

Đặc biệt, người xem có thể bước vào không gian di sản kiến trúc vàng son thời Lý cách nay 800 năm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Minh, kết quả nghiên cứu, phỏng dựng 3D chùa Một Cột thời Lý cũng chỉ là giả thuyết, cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách bài bản và thận trọng hơn.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân – Đà Lạt giao lưu về mộc bản triều Nguyễn thông qua trưng bày thực tế ảo. Ảnh - TTLTQG IV.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân – Đà Lạt giao lưu về mộc bản triều Nguyễn thông qua trưng bày thực tế ảo. Ảnh - TTLTQG IV.

Mang di sản đến trường học

Cùng với việc hệ thống hoá di sản chùa Một Cột – Diên Hựu, mộc bản triều Nguyễn - đã được Unesco công nhận là Di sản tư liệu, cũng vừa được trưng bày bằng công nghệ thực tế ảo trong trường học ở Lâm Đồng.

Mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác. Đó là bản gốc của các bộ chính văn, chính sử nổi tiếng của Việt Nam được biên soạn, khắc in chủ yếu dưới triều Nguyễn. Mộc bản được hình thành chủ yếu bằng kỹ thuật khắc ngược ký tự Hán Nôm trên gỗ để in ra sách được sử dụng phổ biến trong thời kỳ phong kiến và còn lưu giữ được đến ngày nay.

Khối mộc bản triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV gồm 34.619 tấm, được tạm chia thành hơn 100 đầu sách với nhiều chủ đề như: Lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn chương… Đây là nguồn sử liệu tương đối nguyên vẹn để khảo cứu, đối chiếu và phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử nước ta trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chương trình “Mang di sản đến trường học” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước) phối hợp với Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng nhằm đưa những tư liệu lịch sử đến gần học sinh, tạo không khí học sử mới mẻ trong trường.

Với không gian trưng bày thực tế ảo, người xem có thể theo dõi triển lãm ngay trên máy tính cá nhân, điện thoại một cách sinh động. Theo đánh giá của đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thông qua phòng trưng bày ảo, những người làm công tác văn hoá mong muốn mang di sản mộc bản triều Nguyễn đến gần hơn với những người quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là thế hệ trẻ.

“Sản phẩm công nghệ thực tế ảo chùa Một Cột - Diên Hựu là một cách mà xã hội hưởng ứng “Đề án Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đề án nhằm phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu - phỏng dựng phế tích, phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh bảo tàng và quảng bá di sản Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ