Suy ngẫm sau giờ dạy

GD&TĐ - Đây là nội dung sinh hoạt chuyên môn được Trường tiểu học Thị trấn Thắng (Bắc Giang) đặc biệt chú trọng nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Sinh hoạt chuyên môn tại Trường tiểu học Thị trấn Thắng (Bắc Giang)
Sinh hoạt chuyên môn tại Trường tiểu học Thị trấn Thắng (Bắc Giang)

Chia sẻ về đổi mới sinh hoạt chuyên môn, cô Ngô Thị Kim Dung - hiệu trưởng Trường tiểu học Thị trấn Thắng cho biết, việc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn hàng tuần cụ thể, chi tiết của các tổ chuyên môn luôn được lãnh đạo trường quan tâm, chỉ đạo. Ban giám hiệu nhà trường duyệt, thống nhất và tổ chức thực hiện kế hoạch này. Trong đó, “dự giờ và suy ngẫm sau giờ dạy” là nội dung quan trọng.

Nói sâu về điều này, cô Ngô Thị Kim Dung cho biết: Trước đây, việc dự giờ các đồng nghiệp với mục đích xem giáo viên đó dạy có đúng như sách giáo khoa không; có đúng các “khâu, bước” của phân môn không; có đúng thời gian 1 tiết học quy định không; học sinh có trật tự không,...

Sau giờ dự lại nhận xét, đánh giá giáo viên với những nội dung đó; phê phán nếu giáo viên không thực hiện đúng yêu cầu. Tất cả những điều đó mang lại không khí hết sức nặng nề mỗi khi tổ chức dự giờ.

Tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung “Dự giờ và suy ngẫm sau giờ dự” hoàn toàn khác. Theo đó, mọi người cùng tham ra “xem tiết học”. Mọi giáo viên tham gia dự giờ đều tập trung quan sát biểu hiện của từng học sinh trong những khoảng thời gian khác nhau của tiết học.

Một giờ học trải nghiệm của học sinh Trường tiểu học Thị trấn Thắng
Một giờ học trải nghiệm của học sinh Trường tiểu học Thị trấn Thắng

4 nội dung được nhấn mạnh khi quan sát, theo cô Ngô Thị Kim Dung, bao gồm:

Thứ nhất: Xem 5 phút sau khi bắt đầu giờ học, giáo viên bắt đầu giờ học như thế nào? Học sinh có biểu hiện ra sao?

Thứ 2: Xem cách tiếp cận học sinh của giáo viên (cử chỉ, thái độ, hành động, ngôn ngữ...) có thể hiện được sự gần gũi học sinh không? Khi giáo viên đưa ra yêu cầu thì học sinh như thế nào - hứng thú, sôi nổi hay trầm lắng, lơ đãng? Vì sao học sinh lại có biểu hiện như vậy? Tại sao biểu hiện của học sinh đó lại thay đổi?

Sự hỗ trợ của giáo viên với những học sinh gặp khó khăn khi thực hiện các yêu cầu của nội dung bài học đã kịp, hợp lý chưa? Giáo viên có chăm chú lắng nghe khi học sinh trả lời hay bày tỏ những khó khăn của mình không? Sự phối hợp làm việc của học sinh khi hoạt động nhóm ra sao? Học sinh có chăm chú lắng nghe khi bạn trả lời không?

Thứ 3: Khi chuyển từ hoạt động của cá nhân sang hoạt động tập thể, biểu hiện của giáo viên và học sinh như thế nào? Từ hoạt động tập thể sang hoạt động cá nhân, biểu hiện của học sinh và giáo viên như thế nào?

Thứ 4: Sau khi vừa kết thúc giờ học, học sinh có biểu hiện hay hành động như thế nào?

Sau giờ học, cô Ngô Thị Kim Dung cho biết, toàn thể giáo viên nhà trường cùng suy ngẫm và chia sẻ những vấn đề đã diễn ra trong giờ học theo nội dung trên; cùng suy nghĩ và đưa ra những giả định về nguyên nhân những biểu hiện của học sinh trong mỗi thời điểm của giờ học (kể cả biểu hiện tích cực và những biểu hiện chưa tích cực).

"Qua đó, tất cả giáo viên cùng tham gia “nghiên cứu” tiết học, làm sao để có những tiết học mà ở đó có sự học tập sôi nổi, hứng thú, tích cực của học sinh; ở đó có sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ giữa học sinh với nhau và giữa giáo viên với học sinh; ở đó có sự cộng tác làm việc tích cực và có hiệu quả của các em học sinh khi cùng tham gia giải quyết vấn đề..." - cô Ngô Thị Kim Dung trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.