Cô hiệu trưởng và câu chuyện gây dựng thương hiệu trường ấn tượng

GD&TĐ - Từ cơ cở vật chất thiếu thốn, cũ nát, thiếu học sinh, Trường tiểu học Thị trấn Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lột xác, trở thành trường đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và là niềm mơ ước của rất nhiều phụ huynh, học sinh.

Cô Ngô Thị Kim Dung và học trò Trường tiểu học Thị trấn Thắng
Cô Ngô Thị Kim Dung và học trò Trường tiểu học Thị trấn Thắng

Trong câu chuyện về sự đổi thay đáng ngưỡng mộ của ngôi trường này có vai trò đầu tàu của người nữ hiệu trưởng - cô Ngô Thị Kim Dung.

Từ ngôi trường cũ đến niềm mơ ước của học sinh Hiệp Hòa

Được điều động về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Thị trấn Thắng từ tháng 2/2007, cô Dung nhớ như in cảm giác "nản" khi cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn và quá cũ nát, từ phòng học, sân chơi, bãi tập. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến dù là trường thị trấn, nhưng nhiều học sinh không chọn học tại trường đúng tuyến mà xin sang Trường tiểu học Đức Thắng 1, thuộc địa bàn xã Đức Thắng - một điểm sáng về giáo dục của tỉnh khi đó.

"Khi đó, giáo viên nhà trường nói với tôi: Hiệu trưởng không nhờ đài truyền thanh của huyện thì học sinh sang hết Đức Thắng 1 học" - cô Ngô Thị Kim Dung kể lại.

Đây thực sự là khó khăn lớn đối với nữ hiệu trưởng mới. Nhưng rất nhanh chóng, cô đã quyết định được hai vấn đề then chốt giúp thay đổi hình ảnh nhà trường, "kéo" học sinh quay lại trường học đúng tuyến, đó là: phải tham mưu tích cực, hiệu quả với địa phương cũng như các cơ quan, ban, ngành của huyện trong công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên…

Nỗ lực, cố gắng, xong khó khăn, nan giản nhất liên quan đến đội ngũ vì những gì là cố hữu, lối mòn trong suy nghĩ không dễ thay đổi. May mắn, đúng lúc đó, nhà trường được dự án Jaica hỗ trợ về phương pháp.

Cô Dung kể: Thời gian đầu, giáo viên không tiếp nhận vì phải thay đổi hoàn toàn về mục tiêu cần hướng tới. Nếu như trước, giáo viên soạn bài, lên lớp giảng bài, hết giờ thì thôi, không cần biết sau giờ dạy có bao nhiêu học sinh hiểu bài, bao nhiêu học sinh không hiểu bài..., thì giờ đây, các thầy cô cần phải biết trong giờ dạy, học sinh học được gì; vì sao học sinh không học được để có những điều chỉnh phương pháp cho phù hợp với từng lớp, từng học sinh...

"Để làm được điều này, ban giám hiệu nhà trường, với sự quan tâm sát sao của phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT, chúng tôi đã tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Nghĩa là, giáo viên thực hiện tiết dạy trên cơ sở mục tiêu học sinh học được gì sau giờ học; vì sao học sinh đó không học; vì sao học sinh đó chưa hiểu và người dự cũng quan sát quan sát như vậy.

Sau giờ dự, thay vì nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên thì toàn thể giáo viên tham dự đi sâu phân tích các vấn đề quan sát được từ học sinh trong giờ học, từ đó rút ra những bài học kinh nghiêm cho những tiết dạy sau" - nữ hiệu trưởng chia sẻ cách làm.

Cô Ngô Thị Kim Dung trao đổi với GS Nguyễn Lân Dũng
Cô Ngô Thị Kim Dung trao đổi với GS Nguyễn Lân Dũng

Từ đó, việc Ban giám hiệu thường xuyên đi “xem” các tiết học, ghi lại hình ảnh học sinh cộng tác, chia sẻ với nhau trong giờ học và ngược lại đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại Trường tiểu học Thị trấn Thắng. Đây là cách làm tuyệt vời để có thể kịp thời động viên, khen ngợi những giáo viên tổ chức tốt hoạt động học tập cho học sinh, cũng như chia sẻ với những giáo viên chưa làm tốt, tìm hướng khắc phục.

Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, cô Dung cùng tập thể đội ngũ đã thành công trong đổi mới phương pháp dạy học, được các trường trong huyện thăm quan, học tập. Trường cũng là địa chỉ được chọn để đón lãnh đạo Sở GD&ĐT và các phòng GD&ĐT của tỉnh Tiền Giang ra thăm quan, học tập kinh nghiệm và được đánh giá cao.

Năm 2011, Trường tiểu học Thị trấn Thắng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và cũng là trường đầu tiên của huyện tham gai đánh giá ngoài cùng 5 trường đầu tiên khác của tỉnh Bắc Giang.

"Điều tuyệt vời nhất không chỉ là sự ghi nhận của lãnh đạo với các bằng khen của tỉnh, của Bộ GD&ĐT mà chúng tôi đã có được niềm tin yêu của phụ huynh học sinh thị trấn Thắng cũng như các xã khác trong huyện. Nhiều người mong muốn con được học tại trường dẫn đến luôn quá tải.

Dự kiến thời giai tới, tôi cùng với tập thể giáo viên nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tập trung vào các nội dung nâng cao tính chủ động, sáng tạo và kỹ năng sống cho học sinh, để có thể thực hiện tốt nhất tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT" - cô Lê Thị Kim Dung chia sẻ.

Hình ảnh nữ hiệu trưởng năng động, tâm huyết của Trường tiểu học Thị trấn Thắng trong lớp học
Hình ảnh nữ hiệu trưởng năng động, tâm huyết của Trường tiểu học Thị trấn Thắng trong lớp học

Người có duyên với việc khó

17 năm làm hiệu trưởng, cái tên Ngô Thị Kim Dung không chỉ gắn liền với Trường tiểu học Thị trấn Thắng, bởi trước khi về trường này, cô đã 6 năm gắn bó và cũng có công lớn trong xây dựng tập thể Trường tiểu học Thường Thắng.

Bất ngờ là, khi nhắc đến điều tâm đắc nhất, nữ hiệu trưởng lại nghĩ ngay đến ngày đầu tiên được trưởng phòng GD&ĐT - cũng là thầy giáo cũ - gọi lên giao nhiệm vụ. Khi đó, cô mới ở tuổi 29 và chỉ có 1 năm kinh n ghiệm là phó hiệu trưởng.

Tại buổi làm việc ấy, đồng chí trưởng phòng đã nói: “Em làm thế nào đừng để hỏng trường đó”; lý do, trường cô được điều động nội bộ mất đoàn kết, cơ sở vật chất nhiều khó khăn, thiếu thốn, Ban giám hiệu mỗi người chuyển một nơi...

"Tôi không nói gì, chỉ cười. Và sau 3 năm (2004), tôi đã cùng tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, với sự quan tâm, ủng hộ của hội phụ huynh cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng thành công tiểu học Thường Thắng thành trường chuẩn quốc gia mức độ 1" - cô Dung chia sẻ.

Cô Ngô Thị Kim Dung ước mơ được làm nghề dạy học từ nhỏ. Do điều kiện gia đình, cô chọn giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”, không chọn ĐH mà thi trung cấp sư phạm. Năm 1992, cô ra trường và công tác tại quê hương. Từ năm 1995-1998, cô vừa giảng dạy, vừa theo học lớp ĐHSP. Cũng trong thời gian này, cô tham dự và đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; được kết nạp Đảng năm 1996; được bổ nhiệm phó hiệu trưởng năm 2000. Năm 2001, cô Dung được bổ nhiệm và điều động về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Thường Thắng.

Với những thành tích trong quản lý, cô Ngô Thị Kim Dung là đại diện của tỉnh Bắc Giang tham dự Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 – 2017 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào 18/10/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ