Sức hút kỳ thi đánh giá năng lực

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, ĐHQG TPHCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để mở rộng phương thức xét tuyển thí sinh cho các trường thành viên.

Thí sinh vui mừng nhận giấy báo thi.
Thí sinh vui mừng nhận giấy báo thi.

Đợt 1, kỳ thi có hơn 74.000 thí sinh dự tuyển. Số lượng các trường ĐH trong và ngoài công lập sử dụng phương án xét tuyển bằng điểm thi kỳ thi này tiếp tục tăng, với hơn 70 trường. Điều gì tạo nên sức hút?

Bảo đảm tính bao quát của kiến thức

Năm học 2021 - 2022, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM gồm 2 đợt trước và sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt 1 thi vào ngày 28/3 tại các tỉnh, thành như TPHCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột. Đợt 2 thi vào ngày 4/7 tại TPHCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. 

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, cho biết: Kỳ thi đánh giá năng lực có mục tiêu đa dạng phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo. Do đó, định hướng bài thi đánh giá năng lực cơ bản, cần thiết của học sinh để học tốt đại học và học tập suốt đời. Trong đó, ưu tiên kiểm tra năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh, logic và xử lý số liệu, giải quyết các vấn đề khoa học. 

“Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM gồm ba phần, với 120 câu dưới dạng trắc nghiệm khách quan. Bài thi hạn chế việc đánh giá khả năng nhớ, thuộc. Do đó, đề thi sẽ cung cấp số liệu, dữ kiện một cách nhiều nhất để học sinh dựa vào đó thể hiện năng lực của mình” - TS Chính nói. 

Nhìn nhận kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM có tính bao quát về phổ kiến thức, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) cho rằng: Sàng lọc kiến thức bằng phổ câu hỏi, bộ đề có tính bao quát kiến thức dạng hiểu biết, tư duy và suy luận… sẽ cho nguồn tuyển tốt hơn. 

“Năm nay, HUFI dành tối đa 5% chỉ tiêu cho phương thức này. Thí sinh cần đạt từ 650 điểm bài thi đánh giá năng lực trở lên. Riêng 3 ngành công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh thực phẩm, thí sinh đạt từ 700 điểm trở lên. Xét về chất lượng nguồn tuyển bằng phương thức này 2 năm qua, tôi nhận thấy đầu vào của sinh viên rất tốt” - ThS Sơn nói. 

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

Đáp ứng tiêu chí nhẹ nhàng

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, thành công của kỳ thi đánh giá năng lực 2 năm qua đến từ việc tận dụng tối đa công nghệ để tổ chức kỳ thi, tạo thuận lợi cho thí sinh khi đăng ký dự thi và xét tuyển. Mặt khác, xu hướng đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh có sự thay đổi lớn ở các trường (chuyển từ kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học) đã ít nhiều tạo thêm sức hút cho kỳ thi. 

Đặc biệt, với xu hướng dạy học tích hợp, đánh giá quá trình học tập của sinh viên chuyển từ hoạt động gần như độc lập với quá trình dạy học sang việc tích hợp vào quá trình dạy học, xem đánh giá là một phương pháp dạy học…, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM gần như đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. 

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (trường có sử dụng kết quả xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực) nhìn nhận: Bản chất kỳ thi này không đề cao khả năng ghi nhớ mà tập trung đánh giá khả năng áp dụng kiến thức. Do đó, nó góp phần đánh giá kiến thức tổng quan, hiểu biết của thí sinh ở các mặt, hạn chế việc học tủ.

“Tôi cho rằng, đây là xu hướng tất yếu, trong nước chưa nhiều nhưng ở nước ngoài, các kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức từ lâu. Trong bối cảnh phát triển của cách mạng 4.0, các nghề trong tương lai đòi hỏi con người có kiến thức tổng hợp, hiểu biết toàn diện. Trường Đại học Lạc Hồng là trường đào tạo đa ngành, bao gồm các khối kỹ thuật, ngôn ngữ và kinh tế… Vì vậy, việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tìm kiếm thí sinh phù hợp nhất” – TS Quỳnh chia sẻ.

Thầy Trần Phương Bình - giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết: Số lượng học sinh đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM tăng dần qua mỗi năm. “Tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, cơ hội trúng tuyển của các em rộng mở hơn. Các em được thử sức, rà soát khối lượng kiến thức, kỹ năng mình được học trong 3 năm qua, có được sự tự tin, thoải mái trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT” - thầy Bình nói. 

Từ các bộ đề thi thử ĐHQG TPHCM đưa ra 2 năm qua, TS Trần Đình Lý -  Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM nhìn nhận: Bài thi được xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực cơ bản của thí sinh (sử dụng ngôn ngữ, xử lý số liệu, tư duy logic, giải quyết vấn đề) chứ không đánh giá khả năng nhớ kiến thức. Chính vì vậy, bài thi sẽ đòi hỏi kiến thức ở phạm vi khá rộng, bao phủ gần như tất cả môn học trong chương trình phổ thông. Nếu không có nền kiến thức tốt, thí sinh khó lấy điểm cao.

Thí sinh không nên học lệch, tủ mà tiếp cận học tập theo hướng toàn diện; phương pháp học tập khoa học, có hệ thống; học đều các môn; lập luận, đánh giá, phản biện chứ không chỉ chấp nhận kiến thức. Cách học tập đúng đắn cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt chứ không phải chỉ khi thi mới bắt đầu. Thời gian này, các em hệ thống hóa lại kiến thức đã có. Thoải mái và tự tin cũng là một trong các yếu tố giúp thí sinh đạt điểm cao. - TS Nguyễn Quốc Chính 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.