Sửa luật để khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

GD&TĐ - Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì tổ chức công đoàn có quyền: “Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn”. 

Phạt hành chính, khởi kiện không đủ sức răn đe DN trốn, nợ đóng BHXH. (ảnh minh họa, theo Báo Mới.com)
Phạt hành chính, khởi kiện không đủ sức răn đe DN trốn, nợ đóng BHXH. (ảnh minh họa, theo Báo Mới.com)

Tại khoản 8 Điều 10 của Luật công đoàn năm 2012 quy định: “Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.”.

Pháp luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức công đoàn như trên nhưng trên thực tế các tổ chức công đoàn, nhất là các tổ chức công đoàn cơ sở (TCCĐCS) khó có thể khởi kiện doanh nghiệp (DN) ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động (NLĐ) khi DN vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), không đóng BHXH cho NLĐ, vì những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, NLĐ tại các DN thường là những người yếu thế, chưa hiểu hết các quyền của NLĐ theo quy định; họ không thể biết DN nợ BHXH. Chỉ có DN và cơ quan BHXH mới biết việc đóng BHXH cho NLĐ như thế nào và ít khi thông tin đến được với NLĐ. Cho nên NLĐ không biết quyền của mình bị xâm hại mà đứng ra viết đơn để tự mình khởi kiện hoặc ủy quyền cho TCCĐCS trong DN khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình. Rất nhiều trường hợp, khi NLĐ nghỉ việc thì không thể rút sổ BHXH, thì lúc này họ mới biết DN đang còn nợ BHXH của NLĐ.

Thứ hai, các TCCĐCS được hình thành ở các DN, có mối quan hệ chặt chẽ với DN trong việc phối hợp, bảo vệ và chăm lo đời sống cho NLĐ. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của TCCĐCS, kể cả lương của cán bộ TCCĐCS do DN chi trả, do đó các TCCĐCS phụ thuộc hoàn toàn vào DN nên khó có thể viết đơn khởi kiện theo sự ủy quyền của NLĐ. Mặt khác, không phải DN nào cũng thành lập TCCĐCS nên việc khởi kiện các DN nợ BHXH là rất khó khăn.

Thứ ba, thủ tục khởi kiện hiện nay rất rườm rà, cứng nhắc, do đó, đa số các hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH đều bị tòa án trả lại vì không đủ điều kiện để thụ lý. Để có thể thụ lý vụ việc khởi kiện cần phải có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo như văn bản hòa giải về giải quyết lao động tập thể; giấy ủy quyền các TCCĐCS; hồ sơ khởi kiện phải có họ tên, địa chỉ người bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp; phải có phát sinh tranh chấp giữa DN và NLĐ …

Thứ tư, đa số NLĐ hiện nay nhận thức quy định pháp luật về BHXH còn hạn chế, thờ ơ về vấn đề này nên ít khi tìm hiểu và kiến nghị DN phải đóng BHXH cho mình. Nhiều DN hiện nay tuyển dụng lao động thường ngắn hạn, ký kết hợp đồng thời vụ và sẵn sàng sa thải nếu NLĐ vi phạm, do đó việc tích lũy thời gian đóng BHXH thường không lớn, lợi ích mang lại không nhiều nên một số trường hợp khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động thì bỏ luôn sổ BHXH. Chính vì sự thờ ơ của NLĐ, cho nên nhiều DN không đóng BHXH cho NLĐ hoặc có đóng một thời gian nhưng sau đó thì chây ỳ, nợ BHXH và viện nhiều lý do khác nhau.

Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, cần thiết phải sửa đổi các quy định của Luật BHXH năm 2014 và các quy định của pháp luật có liên quan như dân sự, tố tụng dân sự, lao động… để tạo điều kiện cho TCCĐCS tiến hành khởi kiện các DN nợ BHXH mà không cần phải có sự ủy quyền của NLĐ; thủ tục, hồ sơ khởi kiện cần đơn giản, thuận tiện hơn như không cần phải có văn bản hòa giải về giải quyết tranh chấp lao động tập thể, bởi vì NLĐ và DN khó phát sinh tranh chấp, do NLĐ thường không dám tranh chấp vì sợ DN sa thải bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của NLĐ về quyền được DN đóng BHXH; được nhận sổ BHXH khi chấp dứt hợp đồng lao động; NLĐ được định kỳ thông tin nghĩa vụ đóng BHXH của DN, được quyền yêu TCCĐCS khởi kiện nếu DN nợ BHXH và được pháp luật bảo vệ; nghiêm cấm các hành vi trù dập, sa thải NLĐ đã đứng ra khởi kiện DN nợ BHXH. Có như vậy, mới hạn chế tình trạng các DN nợ BHXH làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của NLĐ hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...