Tại họp báo định kỳ quý I do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 25/4, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, đến thời điểm hiện tại số nợ là 14.019 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH 10.001 tỷ đồng, nợ BHTN 552 tỷ đồng, nợ BHYT 3.466 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng nợ BHYT).
Thông tin thêm về tình trạng nợ đọng BHXH đại diện Ban thu BHXH Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị nợ bảo hiểm kéo dài, danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH trên 3 tháng dài rất nhiều.
Để tăng cường giải quyết khối nợ này, ông Nguyễn Trí Đại cho biết BHXH Việt Nam đã phân loại nợ, nợ dưới 6 tháng sẽ tập trung đôn đốc thu nợ. Các đơn vị nợ trên 6 tháng, BHXH Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thanh tra theo thẩm quyền thanh tra mới được bổ sung trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Đáng ngại với những đơn vị nợ đọng từ 6 tháng trở lên, ông Đại cho biết, cơ quan BHXH đang có hướng thanh tra các DN này.
Theo ông Đại, BHXH Việt Nam sẽ tham mưu trình Chính phủ để có nghị định xử lý nợ đối với DN đã phá sản. Tuy nhiên trên thực tế có những DN nợ kéo dài, nợ lớn mà việc thu hồi rất gian nan. "Có những DN nợ lên tới 105 tháng, 109 tháng (gần 10 năm), khi đó tiền lãi còn nhiều hơn tiền nợ. Nhiều DN khó khăn đã có văn bản gửi cho cơ quan bảo hiểm xin giảm tiền lãi. Nhưng theo Luật, không có quy định miễn giảm, nên chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu này của DN”, ông Đại nói.
Liên quan đến vấn đề này, BHXH TP. Hà Nội vừa công khai danh sách 500 đơn vị nợ BHXH. Trong đó, DN có số nợ lớn nhất là hơn 25 tỷ đồng.
Được biết theo Điều 14 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định về việc khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH Theo đó, tổ chức công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện DN nợ, trốn đóng BHXH từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều đơn khởi kiện gửi tới tòa án các cấp đã bị từ chối thụ lý. Nguyên nhân là vì bất cập giữa 4 nhóm luật: Bảo hiểm xã hội, Lao động, Công đoàn và Tố tụng dân sự.