Nợ đọng bảo hiểm xã hội bao giờ mới hết?

GD&TĐ - Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ), nhất là trong các trường hợp đau ốm, hưu trí, phụ nữ thai sản... 

Nợ đọng bảo hiểm xã hội bao giờ mới hết?

Tuy nhiên, hiện nay, ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đang có nhiều doanh nghiệp (DN) trốn nợ hoặc nợ đọng BHXH kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ...

Nợ tiếp tục tăng cao

Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN không phải là chuyện mới mà đã xảy ra trong nhiều năm. Có DN nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN là do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Có đơn vị lại cố tình chây ỳ không đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cơ quan BHXH đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này song vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, nhiều DN tìm mọi cách để lách luật, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN như ký nhiều hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng hoặc ký hợp đồng lao động với NLĐ chỉ ghi mức tiền lương và các khoản phụ cấp đóng BHXH, BHYT, BHTN thấp hơn mức thu nhập thực tế mà DN trả cho NLĐ. Ở một số địa phương, có DN “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến tình trạng là DN cũ “biến mất” trong khi DN mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN hàng chục tỷ đồng.

Khởi kiện các DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là biện pháp cuối cùng thế nhưng cũng gặp khó khăn. Chẳng hạn, để lập hồ sơ khởi kiện, cơ quan BHXH cũng gặp không ít khó khăn do các DN nợ không chịu ký vào biên bản đối chiếu, xác định công nợ. Thủ tục khởi kiện tương đối phức tạp, trong khi nhiều DN lại thiếu sự hợp tác; thời gian khởi kiện kéo dài.

Khi toà án tổ chức hoà giải, xét xử, DN lại thường không đến theo yêu cầu nên kết quả hoà giải thành công chiếm tỷ lệ không đáng kể. Ngoài ra, không ít chủ DN khi bị kiện đã bỏ trốn hoặc tìm cách chuyển sang địa bàn khác, hoặc âm thầm chuyển nhượng lại DN cùng với số nợ khiến không thể thu hồi được số tiền nợ bảo hiểm.

Báo cáo của BHXH Việt Nam, 7 tháng của năm 2016 số nợ BHXH, BHYT, BHTN tăng cao so với cùng kỳ năm trước còn xuất phát từ quy định, từ ngày 1/1/2016 (thời điểm Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành), toà án các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động.

Việc khởi kiện các đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ được giao cho tổ chức công đoàn. Việc chuyển đổi này đã tạo khoảng trống về thời gian để các DN lạm dụng cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Cũng chính bởi quy định này mà từ đầu năm 2016 đến nay, 1.400 vụ khởi kiện nợ BHXH với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng của cơ quan BHXH bị tồn đọng, chưa thể giải quyết.

Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành

Nhằm khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm các loại, thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động DN với nhiều hình thức. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan Thuế, Kế hoạch và Đầu tư, BQL các khu công nghiệp... để nắm bắt tình hình đăng ký, hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp thuế của các DN.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của các DN tới cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời; đồng thời sẽ công khai thông tin về các đơn vị trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm số lượng lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi trực tiếp đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện NLĐ.

Mới đây nhất, BHXH Việt Nam đã ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, ngành BHXH sẽ cung cấp danh sách các đơn vị nợ tiền BHXH cần phải khởi kiện tại toà… Ngược lại, tổ chức công đoàn sẽ cung cấp danh sách đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị khởi kiện để cơ quan BHXH kiểm tra, đối chiếu, cập nhật tình hình nợ và việc áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với đơn vị sử dụng lao động...

Để ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, ngoài sự chủ động, nỗ lực của ngành BHXH cũng rất cần các ngành, địa phương tích cực vào cuộc xử lý những vụ việc tồn đọng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý những DN vi phạm. Ngoài ra, NLĐ cũng cần phải lên tiếng, yêu cầu DN tuân thủ đúng các quy định về BHXH, BHYT, BHTN để tránh phải chịu thiệt thòi.

Theo báo cáo mới nhất của BHXH Việt Nam, tính hết tháng 7/2016 số nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới hơn 13.934 tỷ đồng, tăng hơn 1.123 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Nợ đọng, trốn đóng các loại bảo hiểm xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, công tác thu nợ gặp nhiều khó khăn khiến NLĐ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.