Gần 15.000 tỷ đồng nợ
Báo cáo của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là gần 15.000 tỷ đồng, chiếm gần 6% dự kiến kế hoạch thu, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nợ BHXH là 10.458 tỷ đồng, chiếm 69% tổng số nợ; nợ BHTN là 617 tỷ đồng, chiếm 4% tổng số tiền nợ; nợ BHYT là 4.092 tỷ đồng, chiếm 27% tổng số tiền nợ. Trong đó, đơn vị sử dụng lao động nợ là 1.686 tỷ đồng, chiếm 41,2% tổng số tiền nợ BHYT; NSNN đóng và hỗ trợ đóng BHYT chưa chuyển trả 2.447 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng số nợ BHYT.
Đồng thời, kết quả thực hiện ước tính đến hết 30/4, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 16.366 tỷ đồng, chiếm 5,8% dự kiến kế hoạch thu. Trong đó, nợ BHXH là 11.067 tỷ đồng; nợ BHTN là 697 tỷ đồng; nợ BHYT là 4.602 tỷ đồng. Theo đại diện BHXH Việt Nam, thời gian tới cơ quan này sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH. Nhưng đáng lo ngại trong số nợ trên có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH mất khả năng đòi, số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm. Theo quy định của Luật BHXH, những DN đang làm hồ sơ giải thể, phá sản hoặc đã giải thể, phá sản nhưng không có nguồn tài chính để thanh toán BHXH, thì cơ quan BHXH được phép chốt sổ đến thời điểm đơn vị đã trả cho người lao động.
Với các DN cố tình chây ỳ, trốn đóng, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án DN đóng cho người lao động được đến đâu thì chốt sổ đến đó để người lao động được cầm sổ sang đơn vị mới, có thể làm căn cứ để hưởng quyền lợi. Khi đơn vị đó đóng được phần nợ BHXH sẽ ghi bổ sung vào sổ sau...
Cần triển khai nhiều biện pháp xử lý nợ
Trước tình trạng nợ đọng BHXH, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tổ chức Công đoàn đã tiến hành khởi kiện các DN nợ đọng BHXH ra toà. Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tính hết tháng 3/2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp nhận 1.177 bộ hồ sơ do BHXH chuyển sang khởi kiện, các cấp công đoàn nộp ra toà án 77 hồ sơ, trả lại 17 hồ sơ, 60 hồ sơ toà án đã nhận nhưng chưa trả lời. Trước tình hình đó, Tổng LĐLĐ có công văn gửi sang Tòa án Nhân dân tối cao để bàn về vấn đề khởi kiện.
Tuy nhiên theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc khởi kiện chỉ là một trong những biện pháp để giảm thiểu nợ đọng BHXH chứ không phải là giải pháp chính để thu hồi nợ. Biện pháp quan trọng là thanh tra, kiểm tra xử phạt DN nợ đọng, trốn đóng BHXH. Vì thực tế là hiện nay nhiều công đoàn cơ sở chưa đủ sức, cả về năng lực, trình độ pháp lý, bản lĩnh để khởi kiện chủ DN của mình. Bởi vậy bên cạnh việc khởi kiện, một số LĐLĐ địa phương phối hợp với BHXH tỉnh, thành phố tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra DN, truy thu nợ BHXH, thông báo dự kiến khởi kiện và nhắc nhở các DN nộp số tiền nợ.
Thông qua đó, nhiều DN đã chủ động xây dựng lộ trình nộp tiền nợ BHXH. Tổng số tiền thu hồi được qua hình thức này là gần 211 tỷ đồng, như: TPHCM có 379 DN nộp 176 tỷ đồng; Hà Nội 4,6 tỷ đồng; Khánh Hòa 4,7 tỷ đồng, Đồng Nai có 62 DN nộp 1,9 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, năm 2017, để bảo đảm quyền lợi của người lao động BHXH Việt Nam sẽ tăng cường đôn đốc cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; bảo đảm cân đối quỹ. Và BHXH Việt Nam sẽ phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức họp liên ngành với các cơ quan liên quan nhằm xem xét, tháo gỡ những vướng mắc để những quy định về công đoàn khởi kiện được triển khai có hiệu quả.