Khủng hoảng nợ đọng bảo hiểm xã hội

GD&TĐ - Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, ở rất nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, DN Nhà nước...

Khủng hoảng nợ đọng bảo hiểm xã hội

Nợ đọng tràn lan

Theo BHXH Việt Nam, tính hết năm 2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu, trong đó, nợ BHXH là 6.551 tỷ đồng, nợ BHTN là 323 tỷ đồng và nợ BHYT là 705 tỷ đồng. Về công tác đôn đốc thu hồi nợ, BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ cho các tỉnh, thành phố và coi đây là chỉ tiêu xem xét thi đua hàng quý, năm. Cử cán bộ chuyên quản xuống địa phương để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Đại diện BHXH Việt Nam cho hay, việc triển khai quy chế phối hợp hoạt động với cơ quan thuế đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng như giảm nợ đọng... Tuy nhiên, thông tin được chia sẻ, cung cấp giữa hai bên đôi lúc chưa kịp thời và thiếu chính xác.

Thực tế, nhiều DN đã bỏ trốn, mất tích rất lâu hoặc đã giải thể, phá sản, không còn hoạt động nhưng vẫn để tình trạng đang hoạt động; địa chỉ thay đổi chưa được cập nhật; số liệu còn chênh lệch so với thực tế... đã gây khó khăn trong quá trình tổ chức kiểm tra, khai thác lao động và công tác thống kê báo cáo.

Về nguyên nhân nợ đọng BHXH, BHYT, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH là do chủ sử dụng lao động cố tình không đóng. Ngoài ra còn do công tác lao động chưa chặt chẽ, việc khai trình khai báo tăng giảm lao động của DN thực hiện không nghiêm túc.

Tiếp đến, lực lượng thanh tra lao động còn mỏng. Đặc biệt, chế tài xử phạt còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cũng như những thông tin về đóng BHXH chưa được phổ biến cho người lao động (NLĐ). Thông tin đóng, nợ đóng hiện nay vẫn chỉ biết giữa cơ quan BHXH Việt Nam và các DN, chủ sử dụng lao động, còn NLĐ không hề biết mình đóng hay chưa đóng dù mình có hợp đồng lao động.

Cần giải pháp mạnh

Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 2/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13 triệu người; BHTN là 11,2 triệu người; BHXH tự nguyện là 225 nghìn người và BHYT là 76,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số; đã giải quyết chế độ BHXH cho 1,09 triệu lượt người, tăng 50 nghìn lượt người so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành gặp một số khó khăn, vướng mắc; đặc biệt việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT những tháng đầu năm tiếp tục gia tăng, trong khi đó vấn đề khởi kiện DN nợ đọng BHXH vẫn còn khá nhiều vướng mắc.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ năm 2016, Liên đoàn Lao động có trách nhiệm khởi kiện các DN nợ, trốn đóng. Tuy nhiên, theo đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, dù đã có hiệu lực hơn một năm nay và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam triển khai công tác này nhưng việc khởi kiện DN vẫn rất khó thực hiện.

Các công việc liên quan đến khởi kiện DN nợ BHXH được các cấp công đoàn thực hiện khá quyết liệt nhưng đến nay trong số hơn 144 đơn Công đoàn khởi kiện DN ra tòa có 12 đơn bị tòa án trả lại, số còn lại vẫn chưa được đem ra xét xử.

Lý giải về nguyên nhân, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, việc công đoàn khởi kiện DN rất khó khăn vì phải theo quy trình tranh chấp lao động tập thể, mặt khác giữa các văn bản còn chưa đồng bộ, thống nhất, còn nhiều vướng mắc như giữa Luật BHXH 2014, Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Nghị định 43.

Chưa kể, Công đoàn khởi kiện phải theo quy trình của tranh chấp lao động tập thể, tức là phải qua hòa giải, không hòa giải được thì chủ tịch UBND cấp huyện đứng ra giải quyết, nếu chủ tịch UBND cấp huyện cũng không giải quyết được hoặc quá hạn không giải quyết thì bắt đầu tiến hành thủ tục tố tụng. Thực tế, dù sự phối hợp giữa tổ chức Công đoàn và BHXH rất quyết liệt nhưng kết quả để Công đoàn đứng ra là nguyên đơn khởi kiện theo Luật BHXH hiện chưa giải quyết được vụ nào.

Như vậy, để không xảy ra hiện tượng “nợ đọng” BHXH, BHYT, BHTN rất cần áp dụng biện pháp mạnh đối với các DN, nhưng điều quan trọng nhất là BHXH phải thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình, trong việc chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý việc nợ đọng BHXH một cách triệt để.

Nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN hiện các bộ, ngành liên quan đã thực hiện một số giải pháp như: Sửa lại các chế tài xử phạt đối với tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng; Nếu nợ đóng, chậm đóng thì xử phạt hành chính sẽ cao lên. Theo đó, trốn đóng thì Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ đưa vào chế tài để xử phạt và thậm chí có thể xử tù người đứng đầu nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ