Trong đó có việc kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với hầu hết các môn học; giảm số đầu điểm kiểm tra đánh giá cả kiểm tra đánh giá thường xuyên và kiểm tra đánh giá định kì…
Ông Sái Công Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT – cho biết: Việc sửa đổi Thông tư 58 là phục vụ cho kiểm tra đánh giá HS đang học theo chương trình hiện hành và áp dụng ngay trong năm học 2020-2021. Đây là “bước đệm”, là sự chuyển hướng dần dần cho việc ban hành mới Thông tư thay thế Thông tư 58, phục vụ đánh giá, xếp loại HS THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Bước đệm để tiếp cận dần với Chương trình mới
- Tại sao không ban hành mới luôn Thông tư thay thế Thông tư 58, mà chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư này, thưa ông?
Đối với HS đang học theo Chương trình GDPT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hiện vẫn đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58 cho đến hết năm học 2023-2024. Tuy nhiên, Thông tư số 58 còn một số hạn chế như: nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm; nhiều đầu điểm; chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS...
Thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong những năm gần đây, Bộ GD&DT đã chỉ đạo các địa phương đổi mới việc dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Với việc dạy và học được điều chỉnh như vậy thì hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng cần phải điều chỉnh theo cho phù hợp với định hướng trên.
Như đã nói ở trên, điều chỉnh, bổ sung Thông tư 58 là bước đệm, để tiếp cận dần với Chương trình GDPT 2018; giúp đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận nội dung (kiến thức, kĩ năng), sang định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học; hướng tới dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Từ đó, GV, CBQL sẽ không bỡ ngỡ khi triển khai hoạt động kiểm tra đánh giá trong Chương trình GDPT 2018.
- Ông có thể làm rõ định hướng sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại HS THCS, THPT theo Dự thảo?
Trước hết, Quy định về đánh giá, xếp loại HS ban hành kèm dự thảo Thông tư giữ lại những nội dung phù hợp với Chương trình GDPT hiện hành (Chương trình 2000), phù hợp với thực tế của đội ngũ GV và cố gắng giữ lại một số mẫu hồ sơ, sổ sách hiện hành. Cùng với đó, bỏ, điều chỉnh những nội dung lạc hậu, không còn phù hợp.
Dự thảo cũng bổ sung những nội dung mới để tiếp cận việc đánh giá phẩm chất năng lực của người học. Cụ thể:
Bổ sung một số hoạt động kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ của người học, coi kiểm tra đánh giá như một hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá để phát triển năng lực tự học của người học, trong đó, coi trọng kiểm tra đánh giá quá trình học tập.
Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá; tăng cường kiểm tra đánh giá quá trình, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá. Bước đầu sử dụng một số biểu hiện về năng lực, phẩm chất trong Chương trình GDPT 2018 để thực hiện kiểm tra đánh giá về hành vi, thái độ, nhiệm vụ học tập của HS. Đồng thời, hướng tới việc khen thưởng toàn diện hơn, với việc khen thưởng toàn diện và khen thưởng các năng lực chuyên biệt của người học.
Đầu điểm đánh giá kiểm tra định kỳ giảm
- Vậy đâu là những điểm mới đáng chú ý của dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại HS THCS, THPT, xin ông chia sẻ cụ thể?
Với định hướng như trên, Dự thảo có một số nội dung chỉnh sửa chính như sau:
Thứ nhất: Tăng cường kết hợp đánh giá định tính và định lượng. Cụ thể, kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số ở hầu hết các môn học (trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục).
Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Kết quả đánh giá được cho điểm theo thang điểm từ điểm 0 đến 10; nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.
Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS trong quá trình học tập môn học quy định trong Chương trình GDPT do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.
Thứ 2: Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. Trước đây, chú trọng kiểm tra đánh giá bằng điểm số, đánh giá định lượng nhiều hơn; chủ yếu kiểm tra đánh giá bằng các bài kiểm tra viết, kiểm tra hỏi đáp (miệng). Nay, đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá. Theo đó, hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên có: hỏi – đáp, thuyết trình, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, sản phẩm học tập. Hình thức kiểm tra đánh giá định kì có bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập.
Dự thảo Thông tư khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong kiểm tra đánh giá trên máy tính để tận dụng thế mạnh của CNTT, nhằm phát triển hoạt động kiểm tra đánh giá vì sự tiến bộ của người học, phát triển năng lực tự học của người học. Đặc biệt, có chú trọng đến hoạt động kiểm tra đánh giá thông qua sản phẩm học tập của người học, qua những hoạt động thực hành. Khi đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá, Dự thảo Thông tư gắn giải pháp tổ chức thực hiện các loại hình kiểm tra đánh giá đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, khách quan là: “Mỗi hình thức kiểm tra đánh giá phải có hướng dẫn cụ thể và được thông báo công khai trước khi thực hiện”.
Thứ 3: Thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học. Với kiểm tra đánh giá thường xuyên, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học quy định 2 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học: 3 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có từ trên 70 tiết/năm học: 4 điểm đánh giá thường xuyên. Với kiểm tra đánh giá định kì: mỗi môn học có 1 điểm đánh giá giữa kỳ và 1 điểm đánh giá cuối kỳ; không còn điểm 1 tiết. Tổng số đầu điểm là giảm so với quy định hiện hành. Môn nhiều nhất là có 6 đầu điểm.
Đối với môn chuyên: Hiệu trưởng trường THPT chuyên quy định số điểm đánh giá thường xuyên đối với môn chuyên không vượt quá 1,5 lần số đánh giá thường xuyên với hệ đại trà như đã nói ở trên. Thời gian quy định đối với bài kiểm tra đánh giá định kì bằng điểm số theo hình thức bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính không vượt quá 1,5 lần thời gian quy định với hệ đại trà.
Đặc biệt, kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, trong Dự thảo đang xin ý kiến này, không chỉ có kiểm tra đánh giá kiểu truyền thông là viết trên giấy mà còn có thực hiện trên máy tính; ngoài ra, vẫn có thể thay thế lấy điểm thông qua các hoạt động học tập, sản phẩm học tập. Tuy nhiên, thời lượng dành cho hoạt động kiểm tra đánh giá cuối kỳ, giữa kỳ phụ thuộc vào thời lượng môn học, số tiết môn học đó trong năm.
Đáng chú ý, số lần kiểm tra đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên; như vậy, đánh giá không phải chỉ để cho điểm mà vì sự tiến bộ của người học.
Thứ 4: Tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu HS giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng.
Quy định tại Dự thảo Thông tư cũng cụ thể, thống nhất với các quy định về đánh giá HS khuyết tật. Dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư 58 chi tiết đang được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến góp ý hoàn thiện, chúng tôi xin tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp ý kiến để hoàn thiện thông tư kịp ban hành cho áp dụng cho năm học 2020-2021.
- Xin cảm ơn ông!