Sửa đổi Luật thể hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

GD&TĐ - Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Chính phủ trong việc nghiên cứu, chuẩn bị Dự án Luật; hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội được chuẩn bị đầy đủ và gửi đúng hạn theo quy định. Nhiều vấn đề liên quan đến các nội dung sửa đổi cụ thể trong Dự thảo Luật tiếp tục được ĐBQH đóng góp ý kiến tâm huyết.

Sửa đổi Luật thể hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Đổi tên luật để phù hợp với phạm vi sửa đổi

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật và đổi tên là “Luật Giáo dục 2018”. Bởi theo đại biểu, cách gọi này “vừa thể hiện rõ quan điểm sửa đổi căn bản, toàn diện GD-ĐT, vừa xứng tầm với nhiệm vụ của sự nghiệp GD-ĐT trong thời kỳ mới, lại vừa dễ nhớ, dễ tuyên truyền và phổ biến pháp luật”.

Đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo về việc mở rộng phạm vi sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng nên đổi lại tên dự luật. Đại biểu đề xuất có thể gọi là Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2018. Theo đại biểu, so với đề xuất ban đầu, Dự thảo lần này đã mở rộng rất nhiều, từ 8 điều nâng lên thành 36 điều, có bãi bỏ 10 điều và bổ sung thêm 3 điều.

“Như vậy, với một phạm vi sửa rất rộng, nhiều chính sách được đề cập đến, có thể thay đổi tên Luật như đề xuất ở trên. Hy vọng Ban soạn thảo sẽ đánh giá toàn diện các tác động của chính sách để có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 6” - đại biểu Mai Hoa nói.

Ưu tiên bậc học mầm non

Giáo dục mầm non (GDMN) là một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH đề cập khi góp ý cho Dự thảo Luật, với quan điểm cần quan tâm nhiều hơn cho bậc học này. Đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định liên quan đến GDMN, theo đó cần khẳng định đây là bậc học đầu tiên cũng là quan trọng nhất trong hệ thống GD quốc dân trong việc nâng cao tầm vóc và trí tuệ Việt. Đồng thời, cần ưu tiên miễn học phí cho bậc học MN; tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, chế độ đãi ngộ với đội ngũ giáo viên MN và cô nuôi trẻ.

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của GDMN, đại biểu Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) đề nghị cần có những quy định riêng rõ hơn về chủ trương để đầu tư cho trường lớp MN, kể cả công lập và tư thục, để đáp ứng yêu cầu đang bức thiết hiện nay. Về chương nhà giáo, cần có quy định riêng về đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên và người nuôi dưỡng theo hướng tạo điều kiện thu hút và ưu đãi đội ngũ này đảm bảo chất lượng.

Bàn về độ tuổi vào học MN, đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) băn khoăn: Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, GDMN thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc GD trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Nhưng thực tế hiện nay, các trường MN công lập chỉ nhận trẻ từ 24 tháng tuổi; còn trẻ 3 tháng tuổi thì chỉ có thể gửi ở các nhà trẻ, nhóm trẻ, trường ngoài công lập… Do đó, đại biểu đề nghị nâng tuổi vào MN từ 3 tháng tuổi lên 6 tháng tuổi để phù hợp với thời gian nghỉ thai sản của người mẹ; đồng thời đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn trường MN công lập nhận trẻ từ 6 tháng tuổi; bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các trường này để có thể thực hiện đúng quy định của Luật.

Đề xuất chương trình học bổng quốc gia, ưu tiên SV sư phạm

Dự thảo quy định thay miễn học phí bằng tín dụng sư phạm cũng được quan tâm thảo luận. Đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) cho rằng, học phí chưa phải là vấn đề căn bản, cốt lõi khiến ngành Sư phạm thời gian qua không thu hút được HS giỏi. Vấn đề căn bản là ở việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, ở chất lượng đào tạo và đặc biệt là chính sách tuyển dụng gắn với chế độ thỏa đáng cho giáo viên.

“Đó mới thực sự là thỏi nam châm cực mạnh để thu hút HS giỏi đến với nghề dạy học. Bởi vậy, tôi mong rằng bên cạnh những thay đổi về chính sách học phí, cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đào tạo sư phạm, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ với nhà giáo” – đại biểu Đinh Thị Bình kiến nghị.

Đại biểu Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) băn khoăn: Quy định thay miễn học phí bằng tín dụng sư phạm nhằm mục đích tránh sử dụng lãng phí ngân sách Nhà nước và điều tiết hiện trạng nhiều HSSV vào trường sư phạm, dẫn đến tình trạng thừa cục bộ giáo viên; tuy nhiên, với HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm thì xử lý ra sao?

“Vấn đề đặt ra là cần có chính sách thích hợp để thu hút HS khá, giỏi vào sư phạm; chính sách đối với SV sư phạm và giáo viên để thu hút được đội ngũ giáo viên chất lượng tốt; cần nắm sát nhu cầu thực tiễn để các trường tuyển sinh đáp ứng nhu cầu mà không bị thừa giáo viên hoặc thiếu việc làm sau khi ra trường” - đại biểu Bùi Ngọc Chương góp ý.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ): Lương thầy cô giáo như thế nào và chính sách tuyển dụng mới là gốc của vấn đề và bài toán thu hút người học giỏi, người vào sư phạm mới khả thi. Ngoài các loại hình học bổng đang quy định, nên quy định thêm Nhà nước xây dựng chương trình học bổng quốc gia cho người học giỏi để đào tạo nhân tài, mà khi thực hiện có thể ưu tiên về số lượng cho những người học ngành Sư phạm.

Rà soát để sửa đổi chương nhà giáo một cách căn cơ

Về đội ngũ nhà giáo và chính sách đối với nhà giáo, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới đầy đủ hơn về khái niệm, vị thế của nhà giáo tại Điều 70, về nâng trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, giáo viên THCS và giảng viên ĐH tại Điều 77. Bổ sung quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo và giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Điều 80.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho rằng, những nội dung này sẽ giải quyết được bài toán chất lượng giáo viên còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình, SGK và đổi mới GD ĐH, nhất là đổi mới phương pháp dạy học. Đại biểu đồng thời đề nghị Ban soạn thảo rà soát để sửa đổi chương nhà giáo một cách căn cơ. Theo đó, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo, quy định đầy đủ hơn hệ thống chính sách về tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, đảm bảo việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm đương tốt nhất trọng trách của mình. Cần làm rõ hơn mối quan hệ và trách nhiệm của Nhà nước, nhà giáo và người học.

“Về chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, tôi đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đề nghị Ban soạn thảo cần bám sát Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng để thể chế hóa vào luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương. Do đó, tôi đề nghị cần quy định trong luật một số quy định mang tính nguyên tắc để thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với nhà giáo, có như vậy mới thu hút được người giỏi vào làm nhà giáo cũng như giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên” – đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị.

Liên quan đến chính sách nhà giáo, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (đoàn Bình Thuận) đề nghị cơ quan soạn thảo tổng hợp lại các chính sách đã có, phân tích, đánh giá những điểm tích cực, hạn chế, qua đó cụ thể hóa trong luật các nội dung ưu đãi trong đầu tư GD cho từng cấp học, từng loại hình GD, các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc cho giáo viên.

Mở rộng đối tượng miễn học phí cho HS THCS

Dù vấn đề miễn học phí cho HS THCS đã được đưa ra khỏi Dự thảo Luật, nhưng nhiều ĐBQH vẫn bày tỏ mong muốn bảo lưu chính sách này. Đại biểu Hứa Thị Hà (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, việc HS THCS công lập không phải nộp học phí góp phần quan trọng nâng cao số HS hoàn thành phổ cập (PC) GD THCS đúng độ tuổi, nâng cao số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người Việt Nam. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm học phí đối với trẻ em MN 5 tuổi và HS THCS để tất cả HS đều có cơ hội học tập bình đẳng.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) phân tích: Luật Giáo dục hiện hành đã quy định PC GDMN cho trẻ 5 tuổi và PCGD cho HS tiểu học, THCS; đồng thời xác định trách nhiệm Nhà nước trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện PCGD cả nước.

“Về bản chất, khi PC có nghĩa là mọi HS trong độ tuổi đều được quyền đến trường và tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành PC. Tuy nhiên, trong thực tế thì Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho HS tiểu học. Đây là một hạn chế lớn, vì vậy sửa đổi Luật Giáo dục lần này phải cân nhắc. Cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi liên quan tới ngân sách của Nhà nước, con số trên 2.000 tỷ đồng nếu miễn, giảm học phí cho đối tượng này. Tôi nghĩ đối với ngân sách Nhà nước không phải là vấn đề lo lắng. Trên thực tế vì học phí có thể một số em HS nghèo bỏ học; nhiều giáo viên đã phải bỏ tiền lương ra để đóng học phí cho HS để đủ con số đến lớp. Tôi nghĩ đây là một chính sách cần phải quan tâm trong sửa lần này” - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị mở rộng khái niệm nhà giáo bao gồm những cán bộ quản lý (CBQL) GD, vì thực tế đội ngũ này đa phần là từ những giáo viên giỏi được tuyển chọn sang làm CBQL. Theo đại biểu, để huy động được đội ngũ CBQL từ đội ngũ giáo viên giỏi, đáp ứng yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cần thiết nghiên cứu mở rộng khái niệm nhà giáo, bảo đảm để CBQL được hưởng các chế độ, chính sách dành cho nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ