Sự tồn tại của linh hồn dưới góc nhìn khoa học

Nhiều học giả tin rằng linh hồn là thứ vô hình tồn tại sau cái chết, có mối liên hệ mật thiết với những ký ức, cảm xúc của con người.


Các chức năng của linh hồn đều có thể do bộ não đảm nhiệm.
Các chức năng của linh hồn đều có thể do bộ não đảm nhiệm.

Nhiều nhà tư tưởng tôn giáo từ thời cổ đại tin rằng mỗi người đều có một linh hồn. Quan điểm này được nhà triết học Plato (424 - 348 trước Công nguyên) và René Descartes ở thế kỷ 17 ủng hộ, theo Live Science.

Plato cho biết, con người không học hỏi những điều mới trong cuộc sống mà họ chỉ nhớ lại tri thức của họ từ kiếp trước. Do đó, con người phải có linh hồn.

Nhiều thế kỷ sau đó, Descartes viết tác phẩm "Passions of the Soul", tạm dịch là "Sự đam mê của linh hồn". Ông lập luận phần thể xác và tâm trí của của một người là hai thứ hoàn toàn tách biệt. "Bởi vì chúng ta không có ý niệm về cơ thể khi suy nghĩ, có lý do để tin rằng tất cả các loại tư tưởng tồn tại trong chúng ta thuộc về linh hồn", Descartes viết.

Một trong những lý lẽ Descartes đưa ra để chứng minh sự hiện hữu của linh hồn liên quan đến bộ não. Bộ não là một phần của cơ thể có thể phân chia được, gồm những bộ phận khác nhau. Linh hồn là tổng thể không thể tách rời, có tính vĩnh cửu, không thể phân chia được. Do đó, Descartes kết luận bộ não và linh hồn phải khác nhau. Tuy nhiên, các tiến bộ trong lĩnh vực khoa học thần kinh cho thấy lập luận của Descartes là sai lầm.

Trong những năm 1960, Roger Sperry, học giả từng đoạt giải Nobel, chỉ ra tâm trí và ý thức của con người có thể phân chia, bác bỏ một phần lý thuyết của Descartes.

Sperry nghiên cứu thể chai (corpus callosum) của nhiều bệnh nhân. Đây là bộ phận kết nối bán cầu não trái và não phải. Trong các ca phẫu thuật, Sperry cắt đứt thể chai của bệnh nhận nhằm kiểm soát sự lây lan của cơn động kinh, ngăn chặn và giảm truyền tín hiệu tri giác, cảm giác, vận động và thông tin về nhận thức giữa hai bán cầu não.

Sperry chỉ ra, mỗi bán cầu não có thể thực hiện nhiệm vụ và xử lý thông tin độc lập với bán cầu não còn lại. Về bản chất, điều này nghĩa là hoạt động của não tạo ra một ý thức đôi. Như vậy Descartes không đúng khi khẳng định bộ não có thể phân chia, nhưng linh hồn (được hiểu là tâm thức, ý thức) thì không.

Năm 1949, nhà tâm lý học D.O. Hebb tuyên bố tâm thức của con người là sự kết hợp giữa các hoạt động bên trong bộ não.

Bộ não là cơ quan có liên kết với toàn bộ cơ thể, thế giới bên ngoài và trải nghiệm của chúng ta. Các tổn thương não do tai nạn, chứng mất trí nhớ hoặc di tật bẩm sinh sẽ ảnh hưởng đến nhân cách con người.

Theo Plato, một trong những chức năng của linh hồn là lưu giữ ký ức. Nhưng chỉ cần một cú gõ búa mạnh vào đầu có thể làm mất đi những kỷ niệm của bạn suốt nhiều năm qua. Nếu linh hồn là một thực thể vô hình, tách biệt với phần cơ thể vật chất, nó sẽ không bị thương bởi cú gõ búa và ký ức lưu giữ trong linh hồn cũng không bị biến mất.

Các hoạt động thần kinh trong não chịu trách nhiệm cho chứng rối loạn chức năng nhận thức và tình cảm ở những người mắc bệnh tự kỷ. Hoạt động của não có khả năng làm thay đổi cảm xúc, tâm trạng con người. Linh hồn hoàn toàn không cần thiết cho quá trình này.

Thuốc điều trị làm thay đổi tâm trạng con người cung cấp thêm bằng chứng chống lại sự hiện diện của linh hồn. Nếu bạn tạo ra sự mất cân bằng hóa học trong não, chẳng hạn như làm giảm hormone dopamine, noradrenaline và serotonin bằng thuốc tetrabenazine, bạn có thể gây trầm cảm cho một số người. Chứng trầm cảm ngược lại có thể được cải thiện nhờ các loại thuốc làm tăng cường chức năng của chất dẫn truyền trong não.

Bộ não là nơi diễn ra các suy nghĩ, tình yêu và lòng hận thù, nhận thức, hình thành nhân cách, niềm tin, lưu giữ kỷ niệm, đưa ra quyết định chứ không phải linh hồn, nhà nghiên cứu D.K. Johnson ở Đại học Cambridge, Anh, kết luận.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ