Sự cần thiết trang bị kỹ năng cho sinh viên

GD&TĐ - Cùng với việc trang bị những kỹ năng cứng là những kiến thức chuyên ngành mà SV đã chọn, các cơ sở giáo dục đại học đang có những nỗ lực để SV tự tin hơn trước các nhà tuyển dụng bằng cách đưa kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo. 

Sự cần thiết trang bị kỹ năng cho sinh viên

Thực tế tuyển dụng cho thấy, mỗi một hồ sơ của ứng viên, bộ phân nhân sự chỉ xem trong chưa đầy một phút, nên bằng cấp của SV chưa phải là điều quan trọng, mà phải là những chi tiết liên quan đến thế mạnh của mỗi cá nhân. Và quan niệm chú trọng đến bằng cấp, điểm số phải được thay thế bằng công thức mới: Kiến thức + kỹ năng + thái độ.

Kỹ năng cũng quan trọng như kiến thức

Hai năm trở lại đây, ngoài 2 tín chỉ tự chọn về kỹ năng giao tiếp, trước khi tốt nghiệp, SV năm cuối của Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) còn có cơ hội tham gia khóa đào tạo kỹ năng mềm do Hội Liên hiệp thanh niên TP Đà Nẵng phối hợp với tổ chức Save the Children International (SCI) tổ chức tại trường.

Với chương trình đào tạo kỹ năng mềm của SCI, SV được trang bị các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tìm việc và phỏng vấn xin việc, phỏng vấn và thái độ làm việc, giáo dục tài chính. Ngay như cách viết, chuẩn bị, sắp xếp hồ sơ cá nhân cũng được hướng dẫn rất kỹ lưỡng.

Hay như cách nghe, các bạn SV cũng phải biết phân biệt được nghe và nghe có mục đích bởi “nghe cũng là một kỹ năng cần được rèn luyện và cần được lưu tâm tại nơi làm việc và trong khi phỏng vấn”.

Ngoài ra, những buổi học cuối cùng, khóa học còn tổ chức các buổi đối thoại, giao lưu để SV tiếp xúc với doanh nghiệp để thực hành phỏng vấn xin việc cũng như thử nghiệm giải quyết các tình huống có thể xảy ra tại nơi làm việc.

Trịnh Minh Sang - Cựu SV Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) - cho biết: “Em đã phỏng vấn tuyển dụng và thử việc qua 3 công ty, đến công ty thứ ba thì thấy công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, có cơ hội phát triển nghề nghiệp nên quyết định sẽ gắn bó lâu dài”.

Theo như Sang thì trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, nhà tuyển dụng thường chú trọng và hỏi nhiều đến kỹ năng làm việc nhóm. “Trong quá trình làm việc, ngoài kỹ năng làm việc nhóm thì em thấy kỹ năng trình bày và giao tiếp là rất quan trọng”.

Bắt đầu thử việc tại Công ty Toàn Cầu Thịnh từ tháng 10/2016, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Sang được giữ chức tổ trưởng và sắp được bổ nhiệm chức danh đội trưởng đội M&E (thi công điện, nước).

Vừa mới tốt nghiệp ra trường, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, trong khi trong tổ có nhiều công nhân hơn Sang cả chục tuổi, Sang kể:

“Trong khi phân công công việc hay nhận xét, điều chỉnh cách làm việc với các anh trong tổ, em cũng phải khéo léo để làm sao hiệu quả công việc đạt được là cao nhất. Lúc đầu thì chưa quen lắm, nhưng nhờ những tình huống thực hành trong khóa học kỹ năng mềm nên em cũng đỡ lúng túng”.

Sang cho biết, nhiều bạn học của em không qua được vòng tuyển dụng vì thụ động và thiếu tự tin. “Trong quá trình học, chúng em thường có tâm lý không chú trọng nhiều đến việc rèn luyện và tích lũy kỹ năng mềm, nhưng khi bắt đầu tham gia tuyển dụng, đặc biệt là trong quá trình làm việc, mới thấy kỹ năng là rất quan trọng, đôi khi là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc” - Trịnh Minh Sang nhận xét.

Anh Bùi Trung Hiệp - Phó Phòng Công tác HSSV Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng - cho biết: “Trong một lần lấy ý kiến phản hồi của doanh nghiệp về chương trình đào tạo của trường, giám đốc của một công ty máy tính có tiếng ở Đà Nẵng kể tôi nghe câu chuyện rất phổ biến về những SV trong các lần tuyển dụng. Khi trả lời mức lương có thể chấp nhận được, các bạn đều đưa ra con số khoảng từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Nhưng khi hỏi các bạn những thông tin về công ty, dù là thông tin đơn giản, các bạn hầu như nắm rất chung chung; đưa ra một số tình huống để các bạn tìm giải pháp giúp công ty tháo gỡ khó khăn thì các bạn thực sự rơi vào thế bí, dù là giải pháp mang tính lý thuyết.

Đại diện doanh nghiệp này nhận xét rằng, hình như nhận bằng tốt nghiệp xong là số đông tân cử nhân, tân kỹ sư bắt đầu tham gia tuyển dụng bằng cách “rải” hồ sơ… cầu may chứ ít có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hay dành tâm huyết cho công việc”.

Muốn bơi thì phải nhảy xuống nước

Trong 4 năm trở lại đây, Trường CĐ Thương mại (Đà Nẵng) đã xây dựng chương trình kỹ năng mềm trở thành một yêu cầu của chuẩn đầu ra.

Thầy Nguyễn Tiền Tiến - Phó Hiệu trưởng - cho biết: “Ngoài kỹ năng cứng, trong chương trình đào tạo, chúng tôi xây dựng 10 kỹ năng mềm mà SV buộc phải có trong chuẩn đầu ra, gồm có tin học và ngoại ngữ và kỹ năng sống.

Ngoài tin học và ngoại ngữ, hiện nay, nhà trường đã đảm nhận dạy các kỹ năng sống như tư duy sáng tạo, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thuyết trình, lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng quản lý thời gian. Riêng kỹ năng chịu áp lực, nhà trường chưa tổ chức đào tạo được”.

Thường bắt đầu từ học kỳ II của năm thứ nhất, SV bắt đầu đăng ký học các kỹ năng để trước khi tốt nghiệp ra trường, SV buộc phải có chứng chỉ kỹ năng mềm.

Mỗi lớp học chỉ có tối đa là 40 SV với 6 buổi học/kỹ năng, trong đó, 2 buổi học cuối sẽ có 2 GV đảm nhận để thực hành các tình huống theo nhóm.

Thầy Nguyễn Tiền Tiến cũng đảm nhiệm giảng dạy lớp kỹ năng giải quyết vấn đề, nhận xét: “Học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, phải xuống nước mới tập bơi được.

Các em đều biết có câu chuyện phải bơi, nhưng bơi thế nào mới là quan trọng. Thế nên, từ những kiến thức trong khóa học trở thành kỹ năng ứng xử, thành thói quen thì với chỉ hai buổi thực hành là không đủ.

Có những SV đã hoàn thành khóa học kỹ năng giải quyết vấn đề nhưng vẫn nhờ thầy tư vấn cho cách xin số liệu kế toán trong đợt thực tập, vì “em không có cách nào tiếp cận được với người hướng dẫn”.

Thế nên, SV phải chủ động tham gia các hoạt động xã hội ở trường, lớp, các CLB đội nhóm, đi làm thêm hay chỉ đơn giản là học tập theo nhóm”.

Qua tham khảo tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn, anh Bùi Trung Hiệp nhận xét: “Khác với thời học phổ thông, thường thì những bạn có điểm số cao là giỏi, nhưng tiêu chí đánh giá ở ĐH, CĐ có khác hơn.                                                                                                                                                                                            Các nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 yếu tố: kiến thức - kỹ năng - thái độ (KSA: knowledge - skill - attitude). Trong đó, yếu tố thái độ trong công việc bao giờ cũng được đánh giá cao vì kỹ năng thì có thể huấn luyện được nhưng sự tự giác, chủ động thì không”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.