(GD&TĐ) - Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking mới đây đã nói rằng ông tin không có Chúa và vì vậy con người nên cố gắng có một cuộc đời giá trị nhất có thể khi còn sống.
Nhà bác học Stephen Hawking |
Phóng viên Ian Sample của tờ Guardian đã hỏi Hawking rằng ông có sợ chết hay không trong một câu chuyện xuất bản hôm qua (16.5) và đây là câu trả lời của ông:
“Tôi đã sống với viễn cảnh của việc chết sớm trong vòng 49 năm qua. Tôi không sợ chết nhưng tôi cũng không vội vã để chết. Tôi có rất nhiều thứ phải làm. Tôi coi bộ não là chiếc máy tính và nó sẽ ngừng làm việc khi các bộ phận bị hỏng. Không có thiên đường hay sự sống sau cái chết cho những chiếc máy tính đã hỏng, đó chỉ là câu chuyện cổ tích cho những người sợ bóng tối mà thôi”.
Cuốn sách của Hawking năm 1988: “Lược sử thời gian” đã bán được 9 triệu cuốn và trong đó Hawking nói rằng Chúa là phép ẩn dụ của một lực lượng có thể giải thích đầy đủ cho việc sáng tạo ra vũ trụ.
Tuy nhiên, năm 2010, Hawking nói rằng “khoa học sẽ chiến thắng” trong một cuộc chiến với tôn giáo “bởi vì nó hoạt động”.
“Điều có thể định nghĩa Chúa (là một khái niệm thần thánh) là hiện thân của luật tự nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là những gì mọi người nghĩ về vị Chúa đó” – Hawking nói – “Họ tạo nên một đối tượng giống người để có một mối quan hệ cá nhân. Khi bạn nhìn vào kích cỡ khổng lồ của vũ trụ và sự nhỏ bé của của cuộc sống một con người bên trong thì điều đó dường như là không thể”.
Trong cuốn sách mới nhất “The Grand Design” của mình, Hawking đã nghi ngờ học thuyết của Isaac Newton rằng hệ mặt trời không thể được tạo ra nếu không có Chúa. “Bởi vì có một luật như trọng lực, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra chính mình từ chỗ không có gì cả. Sự sáng tạo tự phát là lý do vì sao luôn có một thứ gì đó chứ không phải là không có gì. Tại sao vũ trụ tồn tại, tại sao chúng ta tồn gại. Điều đó không nhất thiết phải cầu Chúa để vũ trụ hoạt động” – ông viết.
Vậy nếu mọi người đều như cái máy tính lúc cuối đời, thì chúng ta nên làm gì để có thêm ý nghĩa cho trải nghiệm của mình?
“Chúng ta nên tìm kiếm giá trị lớn nhất trong hành động của chúng ta” – Hawking nói.
Phương Hà (Theo Yahoo news)