Startup từ 'vườn nhà' của học sinh, sinh viên miền núi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những thu nhập bước đầu khi tham gia các dự án khởi nghiệp trong trường chuyên nghiệp đã thúc đẩy nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) dân tộc.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề trải nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề trải nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.

Khởi nghiệp trên ghế giảng đường

Dự án DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên được nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật xây dựng từ năm 2021. Đây là dự án xuất sắc giành giải Khuyến khích toàn quốc tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp” - Startup kite năm 2021.

Em Giàng Thị Dinh, thành viên Dự án DTEC, cho biết: “Chúng em gồm nhiều dân tộc khác nhau (Mông, Thái, Dao…), nên sản phẩm làm ra cũng đa dạng về mẫu mã. Đặc biệt là hoa văn truyền thống mang nét đặc trưng riêng. Đó là sự khác biệt để chúng em quyết định khởi nghiệp bằng dự án này”.

“Bước ra” từ cuộc thi chỉ với 5 thành viên ban đầu, đến nay dự án đã thu hút gần 20 sinh viên nữ trong trường tham gia. Với sản phẩm đặc trưng là túi xách làm bằng chất liệu vải bố, thân thiện với môi trường. Thân túi thêu hoa văn, họa tiết dân tộc hoàn toàn bằng thủ công.

Theo Dinh chia sẻ, từ cuối năm 2021, các thành viên dự án đã bắt đầu có thu nhập. Mỗi chiếc túi bán ra có giá 200.000 đồng, sinh viên được trả công 50.000 - 100.000 đồng, tùy thuộc vào kích cỡ. Đến nay, nhóm đã bán ra thị trường gần 1.000 sản phẩm.

“Dù số tiền mỗi bạn thu về không lớn, song phần nào đã giúp gia đình chúng em giảm bớt gánh nặng về sách vở, quần áo, đồ dùng thiết yếu phục vụ, trang trải chi phí học tập. Phần còn lại, chúng em tiếp tục đầu tư vải, chỉ, thuê nhân công may túi để tái sản xuất”, Dinh bộc bạch.

Sinh viên Quàng Văn Thủy, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tham gia thực hành sản xuất chậu cây cảnh.

Sinh viên Quàng Văn Thủy, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tham gia thực hành sản xuất chậu cây cảnh.

Để sản phẩm được lan tỏa, thành viên dự án trực tiếp mang sản phẩm đến ký gửi, bày bán trực tiếp tại các điểm du lịch. Ngoài ra, việc quảng bá đang được mở rộng trên nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là mạng xã hội Zalo, Facebook…

“Chúng em dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô dự án. Để da dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng em nhận thêu theo yêu cầu, đặt hàng làm quà tặng. Hiện nay, dự án bắt đầu nhận được đề nghị đơn hàng lớn. Nhưng do còn phải ưu tiên cho việc học nên chúng em sẽ cân đối thời điểm và số lượng để nhận lời”, Dinh cho biết thêm.

Còn tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, mô hình thực hành nghề Kỹ thuật xây dựng gắn với sản xuất dịch vụ đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều sinh viên tham gia. Từ năm 2021, mô hình được triển khai, nhằm mục đích tạo nơi thực hành cho HSSV nhà trường.

Tham gia thực hành tại mô hình từ những ngày đầu, sinh viên năm thứ 2 Quàng Văn Thủy, Khoa Kỹ thuật xây dựng hiện nay đã thuần thục tay nghề. Thủy chia sẻ, em thích nhất là tham gia sản xuất chậu cây cảnh, vì trong quá trình rèn luyện nghề em lại có thu nhập. Hiện nay, Thủy có thể thực hành toàn bộ các khâu để hoàn thiện một chiếc chậu theo ý muốn.

“Từ tháng 5 đến nay, sản phẩm bắt đầu có lãi, nên em có thu nhập đều đặn hơn. Bình quân mỗi tháng 2 triệu đồng. Mặc dù còn một năm nữa mới hoàn thành chương trình học nhưng em đã thử nghiên cứu và thấy nghề sản xuất chậu cảnh phù hợp với địa bàn mình sinh sống. Hiện nay, em đang chuẩn bị vốn và dự tính sẽ đầu tư để mở cơ sở sản xuất sau khi ra trường”, Thủy bộc bạch.

HSSV tại Điện Biên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp nên còn lúng túng tìm hướng khởi nghiệp.

HSSV tại Điện Biên chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp nên còn lúng túng tìm hướng khởi nghiệp.

Nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp

Hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp được các trường chuyên nghiệp tại tỉnh Điện Biên triển khai từ năm 2019. Đặc biệt, sôi động nhất là từ năm 2020, khi tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp HSSV giáo dục nghề nghiệp” - Startup kite do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, năm đầu tiên (2020) hưởng ứng, có một dự án về trồng nấm đoạt giải toàn quốc. Năm 2021, trường chọn hai ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc gửi dự thi và lọt vào chung kết toàn quốc. Trong đó một dự án đoạt giải.

ThS Phạm Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, cho hay: HSSV chủ yếu là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp nên còn lúng túng tìm hướng khởi nghiệp. Do vậy, từ năm 2019, trường dần hình thành môi trường khởi nghiệp cho HSSV với các hoạt động, như cử cán bộ kiêm nhiệm trực tiếp hỗ trợ HSSV, tổ chức các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV...

Giảng viên Đỗ Thị Thanh Dương trực tiếp phụ trách, hỗ trợ sinh viên triển khai nhiều dự án dự thi. Cô Dương cho biết, Ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện và kết nối để các nhóm khởi nghiệp có môi trường thực hành, tổ chức triển khai tốt nhất.

Đơn cử như Dự án khởi nghiệp trồng, chế biến cây dược liệu đã được Khu Du lịch sinh thái Him Lam hỗ trợ miễn phí mặt bằng, cơ sở hạ tầng, nước tưới phục vụ trồng cây, tiêu thụ sản phẩm... Còn nhóm Dự án Ứng dụng du lịch kết nối cũng được Công ty TNHH 1T hỗ trợ về kỹ thuật.

“Thành viên các dự án đều là sinh viên nên khi tham gia khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, các em đều rất hào hứng, tích cực vì được áp dụng ngay kiến thức được học vào thực tế. Và chính những trải nghiệm thực tế từ các đơn vị, cơ sở kết nối cũng giúp các em xây dựng dự án sát thực hơn”, cô Dương chia sẻ.

Còn tại Trường Cao đẳng Nghề, việc tìm kiếm các nguồn vốn xã hội hóa, kết nối với doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ HSSV khởi nghiệp được tích cực triển khai. Đó cũng là lý do kỹ sư Vũ Duy Hưng, Khoa Kỹ thuật xây dựng đã lên ý tưởng, khởi động mô hình thực hành nghề gắn với sản xuất dịch vụ.

“Mỗi HSSV tại khoa được trực tiếp thực hành tại mô hình để nâng cao tay nghề. Sản phẩm làm ra lại được kết nối với nhiều cơ sở trên địa bàn để bán ra thị trường, mang lại thu nhập trực tiếp cho các em. Qua đó, không chỉ giúp một số học sinh tháo gỡ khó khăn về kinh tế, giảm bớt gánh nặng học tập, mà từ đây, nhiều em đã ấp ủ và hiện thực hóa thành mô hình khởi nghiệp trên chính quê hương mình”, kỹ sư Hưng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ