Sôi động tuổi trẻ học đường

GD&TĐ - Sự chủ động, sáng tạo của học sinh trong các hoạt động ngoại khóa, các chương trình văn hóa, nghệ thuật khiến nhiều phụ huynh và nhà trường bất ngờ, tự hào. Đó cũng là một cách để các em ghi dấu tuổi thanh xuân, từng bước trưởng thành mang đậm phong cách thế hệ học trò 10X.

Chương trình Radio 196X của học sinh THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An)
Chương trình Radio 196X của học sinh THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An)

Dấu ấn học trò

Chào đón các em học sinh khóa mới vào trường, các anh chị lớp 11, 12 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã có tới 3 tháng chuẩn bị cho chương trình Radio 196x. Từ lên ý tưởng, biên kịch, dàn dựng, diễn thử cho đến… đi xin tài trợ.

Nhận kịch bản chương trình từ học trò, thầy Phan Xuân Hoài Linh – Bí thư đoàn trường hết sức bất ngờ: “Tôi vẫn nghĩ học sinh thời nay thường quan tâm đến những điều mới lạ như thời trang, nhạc hiện đại. Nhưng chủ đề mà các em chọn lại là về quá khứ, đưa mọi người về những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, chính là thời của bố mẹ, ông bà…”.

Với mô-típ xuyên không từ hiện đại trở về quá khứ, “RADIO 196X” như một thước phim quay ngược thời gian, tái hiện lại những kỉ niệm vàng son đẹp đẽ đầy yêu dấu và tạo cơ hội cho các thế hệ đi trước và thế hệ sau hiểu về nhau, tìm thấy tiếng nói chung.

Là người chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, em Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: Chúng em mong muốn mang lại cho người tham gia những cảm xúc tò mò, bồi hồi, hứng khởi, vui vẻ, hạnh phúc khi hoài niệm lại một thời đã qua của đất nước, của các thế hệ thầy cô, bố mẹ, ông bà... Chương trình bắt đầu, chúng em thực sự vui mừng, hào hứng vì có đến hơn 80.000 lượt người theo dõi và chia sẻ thông qua fanpage của chương trình và của đoàn trường...

Chương trình không chỉ truyền cảm hứng cho các bạn học sinh lớp 10, mà còn chinh phục được cả các phụ huynh “khó tính”. Một thời ngày xưa hiện ra cùng với chiếc radio cũ, áo dài tân thời, những chiếc xe đạp thống nhất, cửa hàng mậu dịch... Và chuyến tàu thời gian trở với hiện tại của bước nhảy sôi động, cuồng nhiệt.

Một điều vượt sức tưởng tượng nữa là chương trình của những học sinh chỉ mới 17, 18 tuổi của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng còn gây ấn tượng với các tổ chức, doanh nghiệp và thu về gần 70 triệu tiền tài trợ. Dư âm và sự thành công của chương trình cũng khiến các giáo viên và ban giám hiệu của nhà trường có cái nhìn khác đầy tự hào về những học sinh của mình.

Chương trình Selene KC 2018 cũng vừa được những học sinh lớp 11 của Trường THPT chuyên Đại học Vinh tổ chức nhằm vui Tết Trung thu và chào đón những học sinh khóa mới của trường. Chương trình là câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu xuống hạ giới của chú Cuội, chị Hằng và những câu chuyện cổ tích thú vị.

Lồng ghép trong đó là thông điệp về Tết Trung thu, về sự đoàn viên, về các mối quan hệ trong gia đình và những vấn đề đang nảy sinh trong học đường hiện nay. “Phải làm thế nào để nhân gian sẽ lại được hứng khởi trước mỗi đêm rằm tháng 8? Phải làm sao để trẻ con nô đùa rước đèn ông sao bất kể thành thị hay nông thôn? Phải làm sao để những bộn bề cuộc sống ngưng đọng lại như một phép màu để mọi người có thể hạnh phúc an nhiên trong đêm trung thu tháng 8? Những câu hỏi chương trình đặt ra đã chạm đến trái tim mỗi người.

Là người xây dựng ý tưởng và thực hiện chương trình, em Nguyễn Thị Hồng Ngân – lớp 11 chuyên Anh chia sẻ: Chương trình chào đón các học sinh khóa mới là một hoạt động truyền thống nhiều năm nay của nhà trường và thường giao cho học sinh lớp 11 đảm nhiệm.

Sau nhiều trăn trở về một một chương trình “cũ” nhưng phải “mới”, hấp dẫn và có tính sáng tạo, chúng em thống nhất chọn Tết Trung thu. Chọn ánh trăng làm chủ đề cho chương trình với mong muốn mọi người được trở về với nhau trong một cái tết đoàn viên vui vẻ.

Nói về các học trò mình, Trần Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường tự hào: Hoạt động này, là một chiếc cầu nối để tất cả các học sinh trong nhà trường xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn qua những tháng ngày chuẩn bị, tập luyện, qua những giây phút giao lưu trên sân khấu và chứng kiến thành quả hoạt động của mình. Giúp các em biết sẻ chia, đồng cảm, cùng hướng về mái trường, về thầy cô, bạn bè.

Xây dựng đời sống văn hóa học đường

Cuộc dạo chơi về hạ giới của chú Cuội và chị Hằng trong chương trình Selene của học sinh THPT chuyên ĐH Vinh
Cuộc dạo chơi về hạ giới của chú Cuội và chị Hằng trong chương trình Selene của học sinh THPT chuyên ĐH Vinh 

Năm học mới 2018 – 2019 mới diễn ra khoảng 1 tháng nhưng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ đã có rất nhiều hoạt động phong trào sôi nổi. Đặc biệt, dịp lễ chào cờ đầu tuần đều dành thời gian dành cho sinh hoạt ngoại khóa do các lớp chuẩn bị.

Gần đây nhất là buổi trình diễn thời trang với những bộ váy, áo thiết kế từ độ nhựa, nilon, phế thải của lớp 12A2 thực hiện. Qua đó, truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác thải… Buổi trình diễn thu hút sự chú ý, hưởng ứng của đông đảo các bạn học sinh, tạo không khí tươi vui, hứng khởi cho tuần mới.

Cô Phan Thị Hồng (GV Trường THPT Nguyễn Trường Tộ) cho biết: Chương trình này do nhà trường, mà chủ yếu là Đoàn trường phụ trách. Có thể là thầy cô đưa ra nội dung cho học sinh thực hiện theo từng chủ đề, nhưng cũng có khi chính các em có ý tưởng độc đáo, chủ động chuẩn bị và nhà trường đóng vai trò “thẩm định”, “duyệt nội dung”. Qua đó, giúp học sinh tự tin thể hiện bản thân hơn, thu hút các em vào những hoạt động tập thể bổ ích, tạo tinh thần đoàn kết và cũng là để tạo những kỷ niệm, ấn tượng đẹp trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường.

Ngoài đổi mới tiết chào cờ, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ còn xây dựng thành công thư viện lớp học. Bằng cách kêu gọi sự giúp đỡ của các cựu học sinh, nhà hảo tâm tặng sách, 1 năm qua, nhà trường đã có thêm hơn 1.000 đầu sách phân phối và luân chuyển nhau giữa các lớp. “Các em có thể đọc tại lớp, hoặc mượn về đều thuận tiện. Sách được học sinh tìm đọc nhiều thường là sách văn học, hạt giống tâm hồn và kỹ năng sống” - cô Hồng cho biết thêm.

Trường THPT Nguyễn Trường Tộ có vùng tuyển sinh là các xã thuộc vùng trũng, thuần nông nhưng thường xuyên bị ngập lụt của huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Đời sống kinh tế xã hội nhiều khó khăn, con em hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn. Ngoài thiếu thốn các điều kiện học tập, thì đặc điểm của học sinh nhà trường là rụt rè, ngại thể hiện, thiếu tự tin. Chính vì thế, ngoài việc dạy học, các thầy cô giáo còn tạo cho các em môi trường văn hóa học đường lành mạnh, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách, phát triển cá tính học sinh.

Ở nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, xây dựng môi trường giáo dục cởi mở, dân chủ, tôn trọng học sinh của đang được chú trọng thực hiện. Như thành lập CLB học tập, các tổ tư vấn tâm lý (Trường THPT Nghi Lộc 4); giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho cho học sinh (Trường THPT Quỳ Hợp 3); Đổi mới tiết sinh hoạt lớp cuối tuần (THPT Quỳnh Lưu 1)….

Ông Nguyễn Trọng Bé – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho biết: Đầu năm học, Sở đã ban hành nhiều văn bản trong đó có nội dung về đảm bảo an ninh trường học, phòng chống bạo lực, đề cao xây dựng văn hóa học đường. Hướng đến phát triển năng lực toàn diện, bồi dưỡng kỹ năng mềm, hướng nghiệp cho học sinh. Đây cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm các trường học trong đổi mới giáo dục trong xu thế hiện đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.