TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có ông KPă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cùng lãnh đạo UBND, Sở GD&ĐT, cán bộ, giáo viên chuyên trách giáo dục MN các tỉnh/thành.
Với những khó khăn mang tính đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên cũng như cơ cấu dân số, các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long hằng năm phải gánh chịu nhiều nhất của thiên tai bão lũ đã tác động không nhỏ đến hoạt động giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác phổ cập giáo dục MN 5 tuổi.
Chính vì vậy, phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩ và tầm quan trọng của hội nghị giao ban lần này. Trên cơ sở nắm bắt tình hình triển khai thực tế công tác phổ cập giáo dục MN 5 tuổi trong thời gian qua, các địa phương cần gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nhằm đề ra các giải pháp căn cơ thảo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi theo đúng lộ trình.
Theo báo cáo, tình hình thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, đến thời điểm này mạng lưới trường lớp MN tiếp tục được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư đáp ứng phần lớn nhu cầu phổ cập và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nội dung báo cáo các tỉnh/thành tính đến tháng 5/2014 cả 3 vùng có 6.195 trường MN, trong đó, có 5.668 trường MN công lập, 527 trường MN ngoài công lập và 66.786 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường năm học 2013-2014 được cải thiện đáng kể, cụ thể: tỷ lệ nhà trẻ đạt 14,4%, mẫu giáo đạt 79,8%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,2%.
Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có bước phát triển mạnh, với 99,6% trẻ 5 tuổi học chương trình giáo dục MN mới, 94,9% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên MN tăng về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Các Sở GD&ĐT đã thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên MN, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực quản lý, chuyên môn.
Đến năm học 2013 - 2014, tổng cộng 3 vùng có 147.964 cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc MN, tăng 34.680 người so với năm học 2010-2011. Nhiều địa phương chủ động, linh hoạt bố trí ngân sách đầu tư cho PCGDMN.
Sau 5 năm thực hiện, đề án kiên cố hóa giải đoạn 2008 - 2012 đã đầu tư xây dựng 14.071 phòng học MN (đạt 74,9%). Trong đó, 3 vùng xây dựng được tổng cộng 7.280 phòng, nâng tổng số phòng học cho GDMN lên 57.427 phòng học, riêng lớp học trẻ 5 tuổi có 27.100 phòng.
Báo cáo cho biết, tính đến tháng 8/2014, toàn vùng có 4.460/5.265 đơn vị cấp xã/phường được UBND huyện công nhận đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 84,7%; có 191/365 huyện/quận được UBND tỉnh/thành công nhận đạt chuẩn phổ cập và 3/32 tỉnh/thành (Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Trị) được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập, đạt lỷ lệ 9,4%.
Trên cơ sở thực tế của công tác triển khai và những khó khăn vướng mắc trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, phát triển đội ngũ giáo viên, cơ chế chính sách dành cho giáo viên MN…gây ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, cũng như hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ MN, các đại biểu tham dự hội nghị đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp thực hiện trong thời gian qua tại địa phương mình; đồng thời nêu ý kiến kiến nghị với Bộ GD&ĐT, Chính phủ cần có chính sách, cơ chế phù hợp hơn đối với GDMN trong thời gian tới nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác PCGDMN một cách bền vững.
Ghi nhận những kết quả thực hiện công tác PCGDMN 5 tuổi của các địa phương, TS. Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT biểu dương sự nỗ lực của ngành GD&ĐT các tỉnh/thành và sự chung sức của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc triển khai thực hiện PCGDMN.
Thứ trưởng khẳng định: “Với những kết quả đạt được như: Quy mô mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng, số trường MN công lập đạt tỷ lệ khá cao; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng cao và số lượng trẻ suy dinh dưỡng giảm mạnh; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn tiếp tục tăng…đã cho thấy công tác PCGDMN 5 tuổi nói riêng và GDMN nói chung của các vùng đã có sự phát triển vượt bậc.
Đây là kết quả đạt được từ những sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và những giải pháp mang tính sáng tạo trong việc thực hiện PCGDMN”.
Hơn 200 cán bộ, giáo viên phụ trách bậc học MN của 32 tỉnh thành tham dự Hội nghị. |
Tiếp thu những ý kiến phát biểu đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề mà các đại biểu còn tỏ ra băn khoăn, vướng mắc, đồng thời, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm mà các địa phương còn gặp phải trong công tác thực hiện nhiệm vụ PCGDMN 5 tuổi, cũng như GDMN.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý một số tỉnh/thành hiện nay cần thực hiện ra soát, đánh giá lại những kết quả mà địa phương mình đã làm được để đối chiếu với các tiêu chí trong thực hiện PCGDMN, nhất là các tỉnh/thành có tỷ lệ trẻ 5 tuổi huy động ra lớp còn thấp, số lượng GV còn thiếu khá nhiều và tỷ lệ phòng lớp học còn tạm bợ chiếm số lượng cao.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: “Các Sở GD&ĐT cần tăng cường và phát huy vai trò tham mưu của mình trong việc triển khai thực hiện công tác PCGDMN 5 tuổi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa của công tác này đến đội ngũ lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở và các tổ chức đoàn thể nhằm huy động được sức mạnh, ý chí của cả hệ thống chính trị phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị này”.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, UBND các tỉnh/thành tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và có những chế độ ưu đãi đối với GD&ĐT nói chung, GDMN nói riêng trong việc bố trí nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, phát triển đội ngũ giáo viên, chế độ chính sách đối với trẻ MN.