Theo đó, các bệnh nhân đều thuộc độ tuổi thanh thiếu niên còn đang đi học. Tai nạn gây ra phần thương tổn nặng ở bàn tay và để lại hậu quả cả cuộc đời.
Trường hợp bệnh nhân nam ở Quảng Ninh, chuyển tuyến đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp, mặt gan bàn tay phải bờ nham nhở, bẩn, đáy sâu, đụng dập, tụ máu nhiều phần mềm, trật hở khối tụ cốt; gãy trật khớp bàn ngón tay, các búp ngón còn căng, vết thương bàn tay trái, vết thương thành bụng.
Bệnh nhi P.T.N. 14 tuổi, ở Bắc Giang cũng là nạn nhân của pháo. Theo lời kể từ gia đình, do tò mò, cháu đã sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm trên tay dẫn đến dập nát bàn tay.
Bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng: Tay phải có vết thương dập nát ngón III-V, vết thương phần mềm bàn tay.
Trong khi đó, nam bệnh nhân thứ ba đến từ Nam Định đã cùng bạn sử dụng pháo và bị nổ ngay khi vẫn đang cầm pháo đốt trên tay. Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành cắt lọc, bơm rửa kỹ vết thương; đặt lại và găm kim khớp bàn thang; sửa mỏm cụt ngón IV. Tiên lượng việc phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường trong học tập, sinh hoạt của bệnh nhân sau này rất khó khăn...
ThS.BS Lưu Danh Huy, Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức cho biết, đa phần trường hợp tai nạn pháo nổ do sử dụng pháo tự chế đều phải phẫu thuật trong tình trạng cấp cứu vì vết thương bẩn, nguy cơ nhiễm trùng cao, tỷ lệ cụt ngón bàn tay rất cao.
Vì vậy, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ gây đe dọa tính mạng của bản thân và người xung quanh.