Con số đáng báo động
Thời gian qua, tại địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra không ít vụ tai nạn đau lòng do pháo tự chế. Dù vậy, càng gần đến dịp Tết, tình trạng mua thuốc nổ để tự chế pháo sử dụng, đem đi tiêu thụ vẫn tiếp diễn. Điều đáng nói là những trường hợp vi phạm chủ yếu là học sinh.
Tối 17/11/2023, trên địa bàn thôn 8, xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà) xảy ra vụ nổ khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Nạn nhân của vụ tai nạn đều ở độ tuổi thanh, thiếu niên 15 - 24 tuổi. Điều tra ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện có chất lưu huỳnh và một số chi tiết liên quan, vụ nổ xảy ra nghi do chế tạo pháo.
Trước đó, tháng 1/2020, một học sinh ở Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) chế tạo pháo nổ khiến vùng mặt bị bỏng nặng, suýt mù mắt; tháng 1/2019, vụ nổ do pháo tự chế cũng khiến 1 học sinh ở xã Bùi Xá (Đức Thọ) tử vong, 5 người khác bị thương...
Trước hiểm họa khôn lường do việc chế tạo pháo gây ra, cơ quan chức năng và nhà trường đã tích cực tuyên truyền, ngăn chặn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại địa bàn Hà Tĩnh, lực lượng chức năng vẫn liên tiếp phát hiện nhiều nhóm học sinh tự chế tạo pháo để bán và sử dụng.
Ngày 20/12, Công an huyện Lộc Hà phát hiện P. Q. T. (SN 2009, trú tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) có hành vi tàng trữ 10 khối hình trụ, có dây dẫn.
Quá trình làm việc T. khai nhận đây là pháo tự chế, số pháo trên là do T. mua nguyên liệu từ N.H.A. (SN 2009). Triệu tập làm việc, N.H.A. khai nhận số nguyên liệu để chế tạo pháo bán cho T. là mua từ P.Q.C. (SN 2007, đều trú cùng xã Phù Lưu).
Tại cơ quan công an P. Q.C. khai đã bán nguyên liệu chế tạo pháo cho N.H.A., đồng thời giao nộp 35 quả pháo tự chế có kích thước khác nhau. Tại địa bàn huyện Hương Sơn, ngày 8/12, lực lượng công an phối hợp với nhà trường xác minh, phát hiện 36 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 có hành vi sử dụng giấy để cắt, cuốn thành 100 ống trụ hình tròn, rỗng, có kích thước to, nhỏ khác nhau. Quá trình làm việc, nhóm học sinh khai nhận việc cắt, cuốn giấy thành các ống trụ tròn và có ý định đặt mua hóa chất về chế tạo pháo.
Tại huyện Cẩm Xuyên, chỉ trong ngày 15/12, lực lượng công an phát hiện 3 vụ, 10 học sinh chế tạo, buôn bán pháo nổ. Tại cơ quan công an, nhóm học sinh đều khai nhận tìm hiểu cách chế tạo pháo qua mạng xã hội rồi sau đó đặt mua các hóa chất như: Lưu huỳnh, KCLO3, diêm... về tự chế tạo pháo để sử dụng và bán lại cho học sinh khác.
Thiếu tá Phạm Đình Sang - Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an Hà Tĩnh) cho biết, sau 1 tháng ra quân triển khai cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo, lực lượng công an toàn tỉnh bắt giữ 31 vụ, 123 trường hợp vi phạm về pháo; trong đó đã ngăn chặn kịp thời 94 học sinh tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng.
Hiện trường vụ nổ ở xã Đỉnh Bàn do chế tạo pháo. Ảnh: Hà Phương |
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Từ những số liệu trên cho thấy, việc học sinh ở Hà Tĩnh tự chế pháo nổ chưa có dấu hiệu lắng xuống mà ngày càng diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này cần thiết phải có sự vào cuộc không chỉ của cơ quan chức năng, nhà trường mà những người xung quanh các em cũng rất quan trọng.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh có con vi phạm về pháo cho thấy, họ không biết con em mình có hành vi mua bán, chế tạo pháo nổ. Chỉ khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thông báo thì gia đình mới biết.
“Tôi cũng thường xuyên căn dặn về hậu quả của việc chế tạo, sử dụng pháo, chất nổ. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát các nội dung hướng dẫn, buôn bán hóa chất chế tạo pháo nhằm ngăn ngừa tốt hơn”, anh Nguyễn Văn Phong (một phụ huynh ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) nói.
Thượng tá Hà Hải Long, Trưởng Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo trong nhà trường trên địa bàn dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đơn vị đã có văn bản đề nghị các trường học, trung tâm GDTX phối hợp với đơn vị giám sát, theo dõi, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có hành vi vi phạm về pháo.
Thầy Lê Công Thuận - Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: “Ngoài việc giáo dục những hình thức xử lý kỷ luật kiên quyết, cứng rắn đối với hành vi tự chế tạo pháo, nhà trường và lực lượng chức năng cũng đã phân tích cho học sinh về tác hại từ việc làm này và khuyến khích mỗi em trở thành một “tuyên truyền viên” cho bạn bè. Nếu phát hiện học sinh có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp với công an xã để có hình thức xử lý phù hợp”.
Thượng tá Trần Hữu Cảnh, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian tới, lực lượng công an trong toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm về tuyên truyền, phòng ngừa và đấu tranh với các vi phạm về pháo.
Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Tuyên truyền pháp luật về pháo cho các em học sinh; phối hợp với trường học, phụ huynh yêu cầu các em ký cam kết tự giác chấp hành, không mua bán hóa chất, tự chế tạo pháo; tập trung biện pháp nghiệp vụ, ra quân tổng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với tội phạm về pháo, nhất là các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
“Tự chế pháo nổ là hành vi ẩn họa khôn lường, dẫn đến cháy, nổ và có thể gây tử vong hoặc thương tật suốt đời cho người sử dụng. Đặc biệt, đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị pháp luật xử lý nghiêm. Đối với các em học sinh, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ, lý lịch sau này”, Thượng tá Cảnh nói.