Sinh viên trường nghề tranh tài khởi nghiệp

GD&TĐ - Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite năm 2021 đã đi đến chặng bán kết.

Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tham gia bán kết cuộc thi.
Nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tham gia bán kết cuộc thi.

Nhiều ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gây ấn tượng cho Ban tổ chức.

Thúc đẩy khởi nghiệp trong nhà trường

Để thúc đẩy và khuyến khích phong trào khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Thực hiện Quyết định này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án.

Đây là động lực quan trọng để thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, đây cũng là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp gắn kết hơn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó góp phần thúc đẩy ươm mầm khởi nghiệp sáng tạo ngay trong nhà trường.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” – Startup Kite 2021. Vòng bán kết được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ 28/9 đến 2/10. Tiêu chí chấm thi tập trung đến tính mới và sáng tạo, tính khả thi và cạnh tranh. Ngoài ra, ý tưởng phải mang tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ - kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ông Đỗ Năng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng, Startup Kite 2021 sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Ban tổ chức đã mời các doanh nhân trẻ thành đạt làm giám khảo và đồng hành với các thí sinh trong suốt cuộc thi. Ngoài ra, các thí sinh được lựa chọn vào vòng chung kết sẽ được các giảng viên doanh nhân tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tư duy về khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp và khởi nghiệp tinh gọn.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sau 3 tháng phát động, vòng sơ tuyển đã nhận được 1.518 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn được 205 dự án thuộc 59 trường tại 33 tỉnh, thành phố vào vòng bán kết.

Nhiều dự án nhân văn, có triển vọng

Tại chặng bán kết, nhiều ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gây ấn tượng với Ban tổ chức. Trong đó có Dự án “đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Đây là dự án được đánh giá là có tính nhân văn sâu sắc.

Theo Nguyễn Hương Giang - Trưởng nhóm khởi nghiệp, Dự án “đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” được xuất phát từ những khó khăn, trở ngại của đối tượng này trong giao tiếp. Bên cạnh đó, ngoài thị trường chưa có nhiều sản phẩm hỗ trợ người khiếm thính. Trong khi những sản phẩm tương tự đang bán hiện nay thiết kế khá cồng kềnh, không tiện dụng.

Chia sẻ về tính năng của đồng hồ, Nguyễn Hương Giang cho biết, người khiếm thính sẽ tiếp nhận giọng nói từ người ngoài thông qua chiếc đồng hồ thông minh. Đồng hồ sẽ hiển thị phụ đề để cho họ biết được người ta đang giao tiếp cái gì. Đồng hồ còn có cảnh báo rung khi người khiếm thính đến các khu vực đông đúc hoặc không an toàn. Ngoài ra, nó cũng có những chức năng như một chiếc đồng hồ thông minh khác như là thời gian, đo nhiệt độ, thời tiết, nhịp tim…

Tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite năm 2021, nhóm của Nguyễn Hương Giang gặp nhiều khó khăn như thời gian, kinh phí… Tất cả các thành viên trong nhóm đều học chuyên ngành thiết kế đồ họa, do vậy việc ứng công nghệ để thiết kế app, viết mã code gặp nhiều trở ngại.

“Em cho rằng, tính khả thi của dự án đến 90%. Bởi những sản phẩm này chưa có nhiều trên thị trường. Những sản phẩm tương tự còn nhiều bất tiện như khá cồng kềnh và chưa có thiết bị đeo tay gọn nhẹ. Khi chúng em nghĩ đến một thiết bị đeo tay thì nhóm nghĩ đến phải làm sao tiện nhất cho người sử dụng, nhất là đối tượng sử dụng là người khiếm thính” – Đức Hoàng, thành viên của đội FPT Polytechnic cho biết.

Vũ Thế Huynh - thành viên của Dự án “đồng hồ thông minh cho người khiếm thính” - chia sẻ, toàn bộ quá trình từ xây dựng ý tưởng nội dung, thiết kế 3D, xây dựng dự án… hoàn toàn là do các thành viên trong đội thực hiện. Trên cơ sở đó, giảng viên trong trường đánh giá, nhận xét. Thầy cô không can thiệp vào quá trình sáng tạo của nhóm. Dự kiến, một chiếc đồng hồ thông minh dành cho người khiếm thính có giá khoảng từ 1,7 triệu đồng.

Một dự án khởi nghiệp khác cũng gây ấn tượng với Ban giám khảo cuộc thi. Đó là Dự án Sports For all của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Ý tưởng của dự án là xây dựng nền tảng của thể thao giải trí nhưng được nâng cấp, hoàn thiện để phù hợp hơn trên thực tiễn.

“Mục tiêu mà đội hướng đến là lợi ích cho cộng đồng và xã hội, cải thiện sức khỏe cho mọi người nhất là các em học sinh trong trường học” - Ngô Ngọc Thành – thành viên dự án nói.

Dự án Sports For all là sự kết hợp của 7 môn thể thao khác nhau và khách hàng hướng tới là các trường học. Thành viên nhóm nghiên cứu cũng cho biết, thực tế nhiều bộ môn thể thao truyền thống, trẻ em ở lứa tuổi nhỏ sẽ không đủ khả năng về thể chất để chơi. Do vậy, Dự án Sports For all sẽ thiết kế những trò chơi phù hợp với trẻ em trên nền tảng của thể thao giải trí.

“Dự án hoàn toàn có tính khả thi và thực tế đã có sản phẩm đưa ra thị trường. Ví dụ, chúng em đang hợp tác với bên Recsports trong 3 tháng có thể liên kết được với 40 trường và đặt các bộ môn sản phẩm này tại 2 nông trường để giúp trẻ em trải nghiệm” – nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.