Thi tay nghề thế giới: Ước mơ của sinh viên trường nghề

GD&TĐ - Thi tay nghề thế giới là một hoạt động định kỳ 2 năm một lần và được các nước tham gia luân phiên tổ chức đăng cai. 

Thi tay nghề thế giới:  Ước mơ của sinh viên trường nghề

Đây là nơi hội tụ những tài năng trẻ trên toàn thế giới cùng phô diễn, tranh tài về kỹ năng nghề đỉnh cao cùng với việc áp dụng những công nghệ mới, thực hành tay nghề trên những máy móc thiết bị sản xuất tối tân hiện đại nhất.  

Tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới là cơ hội để Việt Nam được học hỏi và cập nhật những kinh nghiệm, kỹ năng nghề mới của thế giới.

13 thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44

Diễn ra từ ngày 8 đến 20/10/2017 tại Abu Dhabi - Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Kỳ thi thi tay nghề thế giới lần thứ 44 thu hút 61 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, với gần 1.300 thí sinh dự thi ở 52 nghề. Trong đó có 49 nghề chính thức và 3 nghề trình diễn - đây là các nghề mới trên thế giới. Theo PGS. TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng Ban Tổ chức Kỳ thi tay nghề quốc gia, Việt Nam tham gia Kỳ thi này với 13 thí sinh dự thi ở 12 nghề. Đây là các thí sinh đã đoạt giải cao tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 11 năm 2016 và lao động trẻ xuất sắc làm việc trong các doanh nghiệp lớn.

So với Kỳ thi lần thứ 43, Kỳ thi lần thứ 44 được Đoàn Việt Nam chuẩn bị kỹ hơn với 3 điểm mới: Chú trọng thời gian huấn luyện 6 tháng (trước 4 tháng), gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp trong thời gian luyện tập để tăng kỹ năng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin về quy định Kỳ thi để thí sinh nhận diện và chủ động nắm vững.

Về hợp tác huấn luyện thí sinh dự thi Kỳ thi tay nghề thế giới PGS.TS Cao Văn Sâm cho biết: Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn lực thí sinh cũng như nguồn lực về chuyên gia, nguồn lực tài chính và điều kiện trang thiết bị huấn luyện còn gặp khó khăn, đây chính là những thách thức lớn trong quá trình huấn luyện cho các em. Để khắc phục tình trạng này ngành đã có nhiều nỗ lực, chủ động kết nối với doanh nghiệp để khắc phục điều kiện trang thiết bị, khắc phục khó khăn về nguồn lực bằng cách tăng cường xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực chuyên gia và kinh nghiệm đào tạo.

Thúc đẩy nâng cao chất lượng lao động

Việc tham gia các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới đã khơi dậy phong trào nâng cao chất lượng học nghề, đáp ứng quá trình hội nhập. Thực tế, các thí sinh Việt Nam sau khi dự các kỳ thi tay nghề đều quay về nước và hội nhập tốt vào thị trường lao động. Đặc biệt, nhiều thí sinh đã giữ vị trí then chốt trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, trở thành giáo viên giỏi hoặc chuyên gia, nhà quản lý.

Hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải đạt các chuẩn nghề nghiệp, đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động của thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thực tế việc học sinh đăng ký vào các trường nghề hiện nay còn quá ít, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Điều này cho thấy nguồn nhân lực của Việt Nam dù có tiềm năng và ưu thế về số lượng, nhưng chất lượng trình độ và kỹ năng lao động vẫn còn rất thấp.

Liên quan đến Kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam đang cần những tấm gương, điển hình trong những nghề cụ thể nhất định để thúc đẩy công tác đào tạo các ngành nghề đó, các thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới được xem là những điển hình trong học nghề để lập nghiệp. Đây cũng là niềm mơ ước của hàng triệu sinh viên học nghề, lao động trẻ xuất sắc. Tham dự Kỳ thi tay nghề còn là cơ hội để Việt Nam cập nhật được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề thế giới.

Việt Nam lần đầu tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 39 tổ chức tại Nhật Bản năm 2007. Sau đó tiếp tục tham dự các kỳ thi lần thứ 40, 41, 42, 43 lần lượt tổ chức tại Canada, Anh và CHLB Đức và Brazil, trải qua 5 lần tham dự các kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam đã đạt nhiều chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc và đạt được 1 Huy chương Đồng vào Kỳ thi lần thứ 43 năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ