Sinh viên Trung Quốc chật vật du học

GD&TĐ - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang loay hoay hồi phục. Điều đó làm cản trở khả năng du học của sinh viên nước này.

Sinh viên Trung Quốc phải làm thêm, sống tiết kiệm để duy trì việc học tại nước ngoài.
Sinh viên Trung Quốc phải làm thêm, sống tiết kiệm để duy trì việc học tại nước ngoài.

Hàng ngày, Grace Wang thức dậy vào lúc 6 giờ để đi trồng cây thuê cho một trang trại ở vùng nông thôn Phần Lan. Trước khi du học, sinh viên 21 tuổi chưa từng làm công việc chân tay như vậy nhưng giờ đây, Grace có thể trồng tới 800 cây mỗi ngày. Với mỗi cây trồng được, nữ sinh được trả 0,11 EUR.

Grace lựa chọn công việc nặng nhọc trên để duy trì việc học đại học ngành Kinh doanh quốc tế ở Phần Lan. Cha mẹ Grace vốn sở hữu một công ty tư vấn du học nhưng đã bị phá sản do dịch Covid-19. Khi cha mẹ không thể chu cấp đủ đầy như trước đây, nữ sinh buộc phải tự mình bươn chải để duy trì việc học và sinh hoạt tại Phần Lan.

Ngoài việc làm thêm, Grace cũng phải chi tiêu hết sức tiết kiệm. Nữ sinh giảm chi tiêu bằng cách không mua quần áo, nấu ăn ở nhà, mua đồ ăn giá rẻ. Từ việc chi 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng, hiện tại, cô chỉ tiêu 6.000 – 7.000 nhân dân tệ, tính cả tiền thuê nhà.

Giống như Grace, nhiều sinh viên Trung Quốc gặp phải tình trạng tương tự khi đi du học. Dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy, số lượng sinh viên Trung Quốc du học đạt mức cao kỷ lục 703.500 người vào năm 2019 nhưng kể từ đó, con số đã giảm xuống còn khoảng 660 nghìn vào năm 2022.

Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc. Đến nay, nước này vẫn vật lộn để hồi phục trong bối cảnh thị trường bất động sản, chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, lâm vào khủng hoảng.

Ông Chen Jiawei, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế Bắc Kinh, lưu ý rằng các gia đình trung lưu, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm thúc đẩy tăng trưởng về du học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm vì Covid-19, các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất và chậm phục hồi. Vì thế, dòng thu nhập và tài chính của nhóm này không còn dồi dào như trước. Việc chu cấp cho con cái học tập cũng không thể bằng với trước dịch Covid-19.

Quan sát của ông Chen phù hợp với nghiên cứu của cơ quan du học Trung Quốc New Oriental. Hồi năm 2022, New Oriental công bố khảo sát cho thấy gần 40% gia đình gửi con ra nước ngoài có thu nhập hàng năm từ 100.000 đến 300.000 nhân dân tệ. Trong đó, chỉ 4% du học sinh đến từ các gia đình giàu có, với thu nhập hàng năm từ một triệu nhân dân tệ trở lên.

Nền kinh tế chậm phục hồi không chỉ ảnh hưởng đến các gia đình có con đang học tập tại nước ngoài mà ngay cả những người có dự định du học cũng phải cân nhắc. Hiện nay, đồng nhân dân tệ đang dao động ở mức so với đồng USD.

Trong bối cảnh trên, Hiệp hội du học Trung Quốc (BOSSA) cảnh báo sinh viên cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký du học. Việc đồng nhân dân tệ mất giá liên tục có thể làm tăng chi phí du học và sinh hoạt, vượt quá khả năng chi trả trong dự định của sinh viên và gia đình các em.

Đại diện BOSSA nhấn mạnh: “Biến động tỷ giá hối đoái có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài. Sinh viên và gia đình cần chủ động phương án đề phòng nếu có nhu cầu du học”.

Một vấn đề khác mà sinh viên Trung Quốc cần lưu ý là nhiều quốc gia có chất lượng học tập tốt đã nâng học phí. Đơn cử, ở Mỹ, học phí các trường đại học tư thục đã tăng 134% trong 20 năm qua. Học phí và lệ phí đối với sinh viên nước ngoài tại các trường công lập cũng tăng 141%. Do đó, ngay cả việc sống tiết kiệm và đi làm thêm cũng có thể không đủ để các em theo học các chương trình học phí cao.

Theo The Pie, SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.