Sinh viên Trung Quốc đổ xô du học thạc sĩ

GD&TĐ - Tính cạnh tranh cao, chương trình học chưa được như kỳ vọng là những nguyên nhân khiến sinh viên Trung Quốc chọn du học sau đại học.

Sinh viên Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học.
Sinh viên Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học.

Tính cạnh tranh cao, chương trình học chưa được như kỳ vọng là những nguyên nhân khiến sinh viên Trung Quốc chọn du học sau đại học. Vì vậy, nước này cần tăng cường chính sách thu hút sinh viên ở lại học tập.

Hồi tháng 2, chị Jennie Zhan, 22 tuổi, đạt 7.0 IELTS sau khi mất hơn 10.000 nhân dân tệ vì thi chứng chỉ này đến 6 lần. Zhan, tốt nghiệp ngành Khoa học sinh học tại Trung Quốc, muốn sử dụng kết quả trên để đăng ký tham gia kỳ thi sau đại học tại Đại học Georgetown, Washington, Mỹ.

Giống như Zhan, ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc ra nước ngoài học thạc sĩ. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, kể từ khi nước này thực hiện cải cách và mở cửa từ 1978 đến 2021, khoảng 8 triệu sinh viên du học. Năm 2022, số sinh viên đăng ký du học tăng 23,4% so với năm 2021. Trong đó, 81,2% sinh viên đăng ký du học thạc sĩ.

Làn sóng sinh viên đổ xô ra nước ngoài du học thạc sĩ gây ra bởi nhiều nguyên nhân như sinh viên không muốn thi cử, hệ thống giáo dục trong nước còn thiếu sót, giá trị của bằng thạc sĩ trong nước bị giảm sút...

Blythe Lou, 20 tuổi, sống tại Giang Tô, cho biết, hệ thống giáo dục Trung Quốc chỉ cho phép cử nhân đăng ký một chương trình sau đại học tại một trường. Vì vậy, tỷ lệ cạnh tranh cao, khả năng thất bại lớn dù sinh viên phải dành cả năm chuẩn bị cho kỳ thi.

Trong khi đó, hầu hết chương trình sau đại học ở nước ngoài không cần thi đầu vào, chỉ cần nộp hồ sơ với các điều kiện chuẩn bị nhẹ nhàng và cơ hội thành công cao. Ứng viên có thể lựa chọn nhiều chuyên ngành học ở nhiều trường và nhiều quốc gia khác nhau. Blythe đang chuẩn bị hồ sơ sau đại học ở Anh và Hồng Kông.

Một vấn đề khác nằm ở chương trình đào tạo. Sau khi so sánh chương trình học thạc sĩ ở Trung Quốc và nước ngoài, sinh viên Brenda Xu nhận thấy chương trình dạy tại Trung Quốc chỉ tập trung vào những kiến thức sẽ thi. Còn trong chương trình nước ngoài, sinh viên được khuyến khích mở rộng tìm hiểu, trao đổi về kiến thức liên quan đến ngành học và các quan điểm khác nhau.

Yếu tố cạnh tranh việc làm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Do tỷ lệ thất nghiệp trong thanh, thiếu niên Trung Quốc đang tăng cao, nhiều sinh viên quyết định học lên cao thay vì đi làm khiến bằng thạc sĩ trở nên cạnh tranh hơn.

Để giải quyết bài toán này, các chuyên gia đồng tình rằng điều quan trọng nhất là thu hút sinh viên giỏi học cao học trong nước. Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu Chen Jianwei, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Kinh tế, Đại học Kinh doanh Quốc tế, nhìn nhận chất lượng giáo dục sau đại học của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách nhất định so với các trường đại học chất lượng cao ở phương Tây.

Vì vậy, nếu muốn thu hút sinh viên trong nước, ông Chen cho rằng yêu cầu hàng đầu là tăng cường cung cấp tài nguyên giáo dục đại học chất lượng cao. Các trường có thể mở rộng quy mô hợp tác nước ngoài để đáp ứng nhu cầu giáo dục quốc tế cho sinh viên.

Một thống kê khác của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng tưởng về số sinh viên đăng ký thi sau đại học trong nước đã giảm từ 21% vào năm 2021 xuống 3,7% trong năm nay. Mỹ là điểm đến học cao học được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc còn ngành thu hút đông sinh viên nhất là Khoa học máy tính.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.