Sinh viên vẫn thụ động tiếp cận với ngoại ngữ |
(GD&TĐ) - Khảo sát nhanh của Viện Nghiên cứu giáo dục và Quản trị kinh doanh (EBM) tại một số trường ĐH - CĐ khu vực TPHCM và Đồng Nai tháng 9/2013 vừa qua cũng cho thấy: Chỉ hơn 65% SV không chuyên ngoại ngữ thấy được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh.
Số còn lại không xem tiếng Anh là cần thiết trong nghiên cứu học tập, chủ yếu “bám” giáo trình tiếng Việt; trong khi đó, ngay cả GV cũng ít yêu cầu SV nghiên cứu tài liệu nước ngoài. Bên cạnh đó, SV còn xa lạ với các hội thảo chuyên ngành, ít gặp gỡ bạn bè quốc tế.
Thực trạng bất cập
Th.S. Lê Đình Tưởng (GV Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng: Thực trạng SV yếu ngoại ngữ là do một thời gian dài, việc dạy học tiếng Anh tại các trường quá chú trọng chuyện viết đúng ngữ pháp, nói cho giống người bản ngữ và dịch cho hay, chuẩn xác mới chấp nhận.
Tiêu chuẩn cao, thậm chí lý tưởng nên việc học ngoại ngữ trở nên khó nhọc. Rất ít người biết sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp, phần đông chỉ học để đối phó thi cử, rồi… lãng quên…Chính những nguyên nhân đó đã khiến việc học Anh ngữ của SV Việt Nam suốt những năm dài qua chưa thật sự hiệu quả.
Thông qua thực tế và từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu tại các trường ĐH-CĐ, TS Lê Hồng Minh, Viện trưởng Viện EBM cho biết: Nguyên nhân sâu xa của việc SV Việt yếu ngoại ngữ là do bản thân SV thiếu động cơ và nguồn cảm hứng học tiếng Anh. GV không đặt ra yêu cầu nghiên cứu tài liệu nước ngoài cho SV, cũng như tạo ra môi trường học tập chuẩn Anh ngữ khiến phần lớn SV ỉ lại, quan niệm một cách tiêu cực, chuẩn nghề nghiệp (giỏi) mình học mới là chìa khóa tương lai.
Đặc biệt là cách dạy tiếng Anh không chuyên, dàn trải và thiếu tính liên tục đã khiến không ít SV thấy “ngán” môn ngoại ngữ. TS Minh đánh giá thêm: “SV còn khá… nhởn nhơ, học qua loa để có bằng, chưa kể đến những tiêu cực khác vào năm cuối, chạy đua lấy bằng Anh văn… bất chính. Do hầu hết tâm lý SV muốn thi hơn là học ngoại ngữ nên dù có 4 năm dài rèn luyện, khả năng ngoại ngữ của SV gần như thay đổi không nhiều”.
Th.S Hoàng Mộng Diễm, Giám đốc Điều hành công ty Tầm nhìn Thịnh Vượng đánh giá từ thực tế nhà trường: Sinh viên Việt Nam do bản tính rụt rè, hay mắc cỡ, sợ nói sai nên họ thường ngại trao đổi với thầy và bạn trên lớp. Chúng ta nên khéo léo, không nên quá cứng nhắc trong việc sửa lỗi sai mà động viên các em và cho các em hiểu đây là lỗi đương nhiên của một người học ngoại ngữ.
Ta nên tránh việc chỉ chăm chăm nghe và sửa lỗi sai khiến người học bị ức chế tâm lý; ngược lại ta phải tạo cơ hội cho họ tự thể hiện mình. Để họ tự tin và mạnh dạn hãy khuyến khích. Đó là bước đầu rèn luyện tính tích cực, chủ động trong học tập.
Học mà ngại hành
Đánh giá về khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên sau khi ra trường, tại một hội thảo về dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Văn Hiến vừa tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng những hạn chế về kỹ năng nghe nói của SV là do cách dạy và học thụ động. TS Trương Quang Vinh (Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn) đánh giá: Vấn đề các trường cần quan tâm chính là việc lựa chọn giáo trình và đầu tư phương pháp giảng dạy tiếng Anh sao cho hiệu quả.
Ông cho rằng, điều này cần được quan tâm hàng đầu, vì học sinh ngay từ thời phổ thông đã chịu cường độ cao trong việc học các môn toán, lý, hóa, sinh… dẫn đến xao lãng tiếng Anh. Do đó, ngoài giáo trình, phòng học có trang thiết bị tốt, GV cần có những phương pháp thích hợp cho từng đối tượng học. Tuy nhiên, người học cũng phải nỗ lực không ngừng trong việc học.
Trên thực tế, việc thông thạo tiếng Anh đem lại rất nhiều cơ hội và lợi thế cho người học khi ứng tuyển việc làm, thu nhập…
Tuy nhiên, điều này hiện không được nhiều SV coi trọng. Để cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh, hầu hết SV và GV thuộc nhóm trường được khảo sát khu vực TPHCM và Đồng Nai cùng đề nghị việc xếp lớp học cho người cùng trình độ và không để sĩ số lớp vượt quá 40.
Thời gian qua, vấn đề không đồng đều trình độ đầu vào đã gây trở ngại lớn cho các trường trong khâu đào tạo và chính SV cũng khá vất vả để theo nổi chương trình.
Theo Th.S Trần Quang Minh có rất nhiều yếu tố giúp tạo nên sự thành công cho chương trình đào tạo mới, mà trong đó bốn yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên hiệu quả cho chương trình đó là: Xây dựng và chọn lọc chương trình/ giáo trình phù hợp với nhu cầu thực tế.
Củng cố và phát triển đội ngũ giảng viên tâm huyết với nghề. Áp dụng đa dạng các phương pháp dạy học để đạt được mục tiêu đào tạo. Cố vấn, hướng dẫn và rèn luyện cho SV ý thức kỷ luật và phương pháp học tập tích cực.
Thực hiện một cách khoa học và logic các thành tố trên, SV sẽ làm chủ và lĩnh hội được kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ tốt nhất cho mình.
Anh Tú