Sản phẩm là nghiên cứu của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Thay thế màng bọc thực phẩm nhựa
Nhóm sinh viên có tên ALOI gồm Nguyễn Ngọc Thanh Khiết, Nguyễn Lê Hoàng Yến, Nguyễn Anh Thư, Mai Thảo Ngân, Phạm Khánh Linh và Lê Quốc Hoàng, Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã sáng tạo giải pháp màng bọc thực phẩm chiết xuất từ nha đam.
Trưởng nhóm Nguyễn Ngọc Thanh Khiết cho biết, màng bọc thực phẩm chiếm phần lớn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và có thể phân hủy thành vi nhựa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Màng bọc thực phẩm từ nhựa hiện được sử dụng phổ biến hàng ngày ở rất nhiều gia đình nhưng ít người biết tác hại của nó đến sức khỏe. Nhóm nghĩ đến sản phẩm thân thiện môi trường mà bảo vệ sức khỏe.
Màng bọc thực phẩm từ nhựa nói chung không có khả năng chịu nhiệt, do đó chúng dễ bị phân hủy thành các hạt vi nhựa trong quá trình người dùng bảo quản, gây hại cho sức khỏe. Các hóa chất, phụ gia trong màng bọc cũng tác động không tốt đến sức khỏe.
Để có thể giảm thiểu màng bọc từ nhựa, ALOI đã sử dụng nha đam làm màng bọc. Sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn, đảm bảo sức khỏe người dùng.
Thành viên nhóm Lê Quốc Hoàng chia sẻ, nha đam được biết đến với nhiều công dụng như làm dịu da và chữa lạnh vết thương, ít người biết đến việc nha đam còn làm màng bọc. Cây nha đam được trồng ở nhiều nơi, nguồn nguyên liệu dồi dào và có giá thành rẻ nên sản phẩm màng bọc cũng có giá thành rất rẻ. Gel nha đam có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa rất mạnh nhưng nhược điểm của nó là tính tạo màng thấp.
Chitosan là một chất tạo màng sinh học, được tạo ra thông qua quá trình khử oxy hóa Chitin - một vật liệu được tìm thấy trong bộ xương ngoài của động vật giáp xác như vỏ tôm, cua và thành tế bào của nấm.
Chất này được dùng trong ngành mỹ phẩm để chăm sóc da, chống lão hóa. “Đó là lý do để nhóm nghiên cứu kết hợp nha đam với chitosan để tăng tính tạo màng nhưng vẫn bảo quản thực phẩm tốt, an toàn cho người sử dụng”, Hoàng cho biết.
Quy trình thực hiện của nhóm gồm rửa lá nha đam, cắt và bỏ vỏ ngoài, lọc bỏ cặn và chiết xuất lấy gel nha đam. Sản phẩm gel được bổ sung một số chất rồi cho thêm Chitosan, sấy khô màng và tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Màng bọc thực phẩm này có thể chịu được nhiệt độ cao, chống thấm nước, có tính oxy hóa cao có thể bảo quản thực phẩm an toàn trong cả lò vi sóng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài môi trường, sản phẩm có thể phân hủy sinh học nhanh chóng.
Nỗ lực đưa sản phẩm thương mại hóa
TS Võ Thanh Hằng - giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM đánh giá đây là sản phẩm có tiềm năng ứng dung rất cao vì đây là xu thế của phát triển bền vững với lối sống xanh. Dự án hướng đến mục tiêu cuộc sống thêm xanh, sức khỏe vững bền rất phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới.
Màng bọc sinh học đảm bảo sức khỏe cho người dùng mà có khả năng phân hủy tốt sẽ có nhiều tiềm năng ứng dụng. Giá sản phẩm dự kiến là 80 - 90 nghìn đồng/cuộn, khi sản xuất với khối lượng lớn, sản phẩm sẽ có giá rẻ hơn. Nhóm cũng hướng đến loại màng bọc dùng trong lĩnh vực công nghiệp, bọc các túi gia vị, bánh kẹo…
Nhóm dự định trong giai đoạn đầu tiên sẽ hoàn thiện công nghệ sản xuất, giảm giá thành. Từ 2 - 5 năm tiếp theo sẽ xây dung thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Sau 5 năm nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển rộng rãi sản phẩm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững.
Mục tiêu trước mắt của nhóm sinh viên là phát triển và thương mại hóa màng bọc thực phẩm nha đam, tạo ra các tác động tích cực đến môi trường, mang lại lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp và góp phần phát triển cộng đồng. Đây là giải pháp thay thế bền vững cho màng bọc thực phẩm từ nhựa, khai thác tối đa tiềm năng của cây nha đam, hỗ trợ đời sống người dân, tạo sinh kế bền vững.
PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM đánh giá cao nghiên cứu của nhóm. Khả năng triển khai thực tế rất cao vì đây là công nghệ xanh, không có phát thải trong quá trình sản xuất, khả năng phân hủy sinh học nhanh chóng là thế mạnh lớn nhất của nhóm.