Sinh viên chế tạo màng bọc thực phẩm ăn được

GD&TĐ - Chủ nhân của dự án màng bọc thực phẩm ăn được là nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Màng bọc thực phẩm ăn được của nhóm sinh viên.
Màng bọc thực phẩm ăn được của nhóm sinh viên.

Loại màng bọc có khả năng phân hủy sinh học, kháng khuẩn và kháng oxy hóa, giúp bảo quản được thực phẩm lâu hơn, tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình bảo quản.

Giảm thiểu bao bì nhựa

Chủ nhân của dự án màng bọc thực phẩm ăn được là nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, gồm: Lê Yến Nhi, Phạm Nhật Quyên (sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm); Đinh Thiết Anh, Tôn Thất Phú, Văn Xuân Thịnh, Huỳnh Xuân Mai (sinh viên ngành Kỹ thuật hóa học) và Phạm Thùy Ngân (ngành Quản lý công nghiệp).

Lê Yến Nhi, thành viên nhóm, cho biết, xuất phát từ mong muốn giảm thiểu lượng bao bì nhựa không phân hủy được, nhằm góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, nhóm đã nghiên cứu và chế tạo ra màng bọc thực phẩm ăn được từ hai nguồn nguyên liệu là chitosan và lá ổi.

Chitosan có nhiều trong vỏ của động vật giáp xác. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy hải sản lớn trên thế giới, nên phế phẩm vỏ tôm và đầu tôm rất nhiều nhưng vẫn chưa được tận dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, chitosan là loại vật liệu có khả năng ức chế nhiều chủng vi sinh vật như vi khuẩn gram âm, gram dương và vi nấm, đặc biệt là đối với những loại vi khuẩn thường xuất hiện trong thực phẩm như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Salmonella typhimurium. Lá ổi cũng chứa nhiều hoạt tính sinh học nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để. Dịch chiết có trong lá ổi cũng mang tính kháng khuẩn.

Nhóm nghĩ đến sử dụng các nguyên liệu này để tạo ra một sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học tốt, có thể kháng khuẩn, kháng oxy hóa. Quan trọng nhất là đưa ra được giải pháp cho môi trường, cho người tiêu dùng có thể sử dụng được màng bọc an toàn, mức giá hợp lý.

Sự kết hợp của 2 nguyên liệu này theo công thức phối trộn sẽ tạo ra một loại màng bọc thực phẩm sinh học mang nhiều tính chất tốt và hướng người tiêu dùng đến với lối sống xanh.

Điểm nổi bật của sản phẩm này so với các loại màng bọc thực phẩm ăn được khác trên thị trường là không tan trong nước, có thêm các đặc tính như: Kháng khuẩn, kháng oxy hóa để tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn giữa thực phẩm và tránh cho thực phẩm không bị oxy hóa khi để ngoài không khí.

Thành công sau hàng chục lần thất bại

Kể từ khi có ý tưởng, nhóm đã mất gần 2 năm để tiến hành nhiều thí nghiệm, kiểm tra tính chất sản phẩm. Để nghiên cứu thành công màng bọc thực phẩm này, nhóm đã không ít lần trải qua những thất bại.

Nhớ lại khoảng thời gian cả nhóm “ăn dầm, nằm dề” ở phòng thí nghiệm, Yến Nhi cho biết các thành viên đã thử nghiệm vô số lần để tìm cách tối ưu màng bọc.

Sau những lần thử nghiệm thất bại, tưởng chừng sắp bỏ cuộc, cả nhóm lại động viên nhau cố gắng thêm một lần nữa. Cuối cùng, sản phẩm mà cả nhóm ấp ủ đã ra đời và đoạt giải Nhất Cuộc thi Bách khoa Innovation 2023.

“Khó khăn của nhóm là việc xác định nguồn nguyên liệu có thể tổng hợp ra sản phẩm như mong muốn từ các nguồn tự nhiên không những có khả năng phân hủy tốt mà còn có cơ tính tốt.

Nhóm phải tìm kiếm dựa trên các nguồn tài liệu đã công bố và thực nghiệm đánh giá so sánh. Sau đó, là giai đoạn thử nghiệm liên tục để tìm ra công thức phối trộn màng với tỉ lệ thành phần phù hợp. Dù trải qua nhiều lần thất bại nhưng nhóm vẫn kiên trì, nỗ lực tạo ra sản phẩm hoàn thiện”, Nhi chia sẻ.

PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ, giảng viên Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết tính ăn được và tính kháng khuẩn cao là hai đặc điểm nổi bật ở màng bọc. So với các màng bọc thông thường có tác dụng chủ yếu là ngăn cản tiếp xúc với không khí bên ngoài để tránh hiện tượng oxy hóa, màng bọc của nhóm còn có khả năng kéo dài thời gian bảo quản cho thực phẩm.

Sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao ở quy mô công nghiệp với giá thành hợp lý. Tuy nhiên, nhóm cần cải tiến thêm một số đặc điểm, chẳng hạn như ở chế độ cơ lý để có thể tạo lớp màng dày mỏng thích hợp.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của nhóm còn có thể được mở rộng theo các hướng nghiên cứu khác nhau, có thể kết hợp với các loại tinh bột biến tính để tạo độ dẻo, độ giãn cho màng bọc hoặc điều chỉnh các hàm lượng thành phần phù hợp với yêu cầu của từng loại thực phẩm cần được bảo quản...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phân Phối giá yến tinh chế DXNEST Nguyên Chất, Giá Tốt now omega địa chỉ đặt tiệc tại nhà uy tín các loại kẽm bổ sung cho bé Thức ăn ướt Pate mèo Whiskas 80g yến sào khánh hòa Lifenest