Nhóm sinh viên chế màng bọc cảnh báo thực phẩm hỏng

GD&TĐ - Tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, nhóm sinh viên đã chế tạo màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây.

TS Lê Quang Phong (giữa) hướng dẫn Kim Long và Thùy Dương làm thí nghiệm.
TS Lê Quang Phong (giữa) hướng dẫn Kim Long và Thùy Dương làm thí nghiệm.

Từ những loại phụ phẩm bỏ đi như vỏ thanh long và vỏ chanh dây, nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM đã biến thành màng bọc thực phẩm có thể biến đổi màu theo quá trình thực phẩm hỏng.

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp

Tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Hoàng Kim Long, Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Lê Thùy Linh, Khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM đã chế tạo màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây, có tên “Yummy Plastic”.

Nguyễn Hoàng Kim Long cho biết, qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy người nông dân chỉ tập trung khai thác kinh tế từ nông sản, ít ai nghĩ đến phế phẩm nông nghiệp có thể tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường.

Nhận thấy vỏ chanh dây có chứa nhiều pectin - chất xơ tự nhiên thường được sử dụng để cải thiện độ đặc và tạo gel trong nhiều món ăn, nhóm đã hình thành, phát triển ý tưởng chế tạo màng bọc thực phẩm. Qua gợi ý của giảng viên, nhóm đã mời thêm Lê Thùy Linh tham gia vì Linh từng có kinh nghiệm trong việc chế tạo màng bọc thực phẩm từ vỏ thanh long đỏ.

Nhóm được TS Lê Quang Phong, Trưởng Bộ môn Hóa ứng dụng Trường Đại học Quốc tế, hướng dẫn nghiên cứu. Trong vòng bốn tháng, bên cạnh việc tạo ra quy trình sản xuất chuẩn, nhóm còn tiến hành các thử nghiệm để kiểm tra tốc độ tăng trưởng của vi sinh vật, quản lý chất lượng… nhằm chứng minh độ an toàn của sản phẩm. Đến tháng 2/2024, nhóm hoàn thiện quy trình và tạo ra màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long, vỏ chanh dây hoàn chỉnh.

Thùy Dương chia sẻ, quy trình tạo màng bọc thực phẩm gồm thu gom, làm sạch, phơi khô vỏ trái cây. Trải qua quá trình trích ly, thu được pectin trong vỏ chanh dây và chất màu betacyanin trong vỏ thanh long đỏ. Các dịch chiết này tiếp tục được phối trộn với nước rồi đổ vào khuôn, sấy ở 60 độ C trong 24 giờ. Sau khi thu được thành phẩm, sẽ cán màng và tạo hình để hoàn thiện màng bọc thực phẩm sinh học.

“Quy trình này kéo dài khoảng 7 - 10 ngày. Điểm nổi bật của màng bọc thực phẩm sinh học do nhóm phát triển là khả năng biến đổi màu khi thực phẩm bị hỏng. Chất màu betacyanin trong vỏ thanh long đỏ có khả năng đổi màu dựa vào độ pH của môi trường. Trong khi đó, nếu các thực phẩm như thịt, cá… bị hỏng, độ pH sẽ giảm dần. Khi thực phẩm bắt đầu hư hỏng, màng bọc sẽ dần biến đổi từ màu đỏ hồng sang màu vàng hoặc trong suốt.

Chỉ bằng việc quan sát màng bọc thực phẩm, người dùng có thể nhận biết thực phẩm bị hỏng ở mức độ nào, từ đó ngăn ngừa những vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, màng bọc thực phẩm của nhóm còn có khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa tốt, giúp kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm”, Thùy Dương chia sẻ.

Tiếp tục nghiên cứu cải thiện độ dẻo dai

Với 200 gram vỏ trái cây, nhóm có thể tạo ra một cuộn màng bọc thực phẩm dài 20 mét có giá thành dự kiến là 70.000 đồng/cuộn. So với màng bọc nilon, sản phẩm của nhóm có giá cao hơn. Nhưng nếu so với các loại màng bọc sinh học trên thị trường thì Yummy Plastic có giá thành cạnh tranh hơn.

Dù có nhiều ưu điểm song Thùy Dương cũng thừa nhận độ dẻo dai của màng bọc Yummy Plastic so với màng bọc nilon vẫn chưa cao. Sản phẩm có thời hạn sử dụng 3 - 4 tuần trong điều kiện nhiệt độ thấp (trong môi trường tủ lạnh) và phải tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng Mặt trời. Nếu không đảm bảo điều kiện trên, màng bọc sẽ mất tính năng biến đổi màu.

“Nhóm mong muốn có thể giải quyết được vỏ phế phẩm trong trồng trọt, giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập mới từ sản phẩm bỏ đi. Bên cạnh đó, nhóm cũng mong người dân có thể giảm rác thải nhựa, thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng sản phẩm thân thiện để môi trường thêm xanh hơn” - Dương bộc bạch.

TS Lê Quang Phong nhận xét, đề tài có tính sáng tạo, nhóm sinh viên biết sử dụng nguồn nguyên liệu tái tạo, hữu cơ thân thiện với con người. Nhóm đã tận dụng vỏ trái cây để làm ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ người nông dân, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng.

“Ngày nay người tiêu dùng rất quan tâm đến sức khỏe, môi trường nên nhu cầu sử dụng sản phẩm xanh lớn. Màng bọc này của các bạn hoàn toàn có khả năng thương mại hóa”, TS Phong nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

yến sào chính hãng yến sào chính hãngPhân Phối Yến Sào DXNEST Nguyên Chất, Giá Tốt whey isolate trẻ sơ sinh bị thiếu kẽm Thức ăn ướt Pate Tellme 130g yến sào khánh hòa Lifenest