Sinh viên ngành Y “xung trận” chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Cựu sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đã vinh dự được nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” năm 2020. 

Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đã vinh dự được nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” năm 2020. Ảnh: T.Nguyên
Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đã vinh dự được nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” năm 2020. Ảnh: T.Nguyên

Những trải nghiệm của tuổi trẻ

Tốt nghiệp ngành Y đa khoa tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào tháng 11/2020, đầu năm 2021, Nguyệt Thanh nhận quyết định về nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Y sinh của nhà trường. Trước đó, nữ sinh viên trường Y từng đặt chân được tới 18 quốc gia trên thế giới, tham gia nhiều chương trình giao lưu sinh viên quốc tế liên quan đến y học, văn hóa, vấn đề về thanh niên…

Là một sinh viên năng động và với khả năng ngoại ngữ tốt, Nguyệt Thanh luôn tìm kiếm và nộp hồ sơ cho nhiều chương trình giao lưu sinh viên quốc tế của Thành đoàn TPHCM, Trung ương Đoàn tổ chức. “Chuyến đi đầu tiên của tôi khá đặc biệt. Đó là chuyến đi Bỉ 1 tháng vào năm 2015. Tham gia một học bổng ngắn hạn liên quan đến y tế, và được học tập tại bệnh viện, trực tiếp quan sát, thực hành với robot mổ cho bệnh nhân”, Nguyệt Thanh kể.

Chuyến đi đầu tiên ấy là bước đệm quan trọng để nữ bác sĩ sinh năm 1995 tự tin ở những chương trình giao lưu quốc tế trong các lĩnh vực khác ngoài y tế. Đơn cử như với vai trò là trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam tham gia chương trình giao lưu văn hóa và diễn đàn quốc tế tại Nhật Bản, SriLanka, Ấn Độ, Malaysia, dự diễn đàn Thanh niên tiên phong ASEAN - Hàn Quốc tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, hay là đại biểu trẻ tuổi nhất tham gia tại Hội nghị Các nhà khoa học trẻ ASEAN… 

Chia sẻ về “bí kíp” để có thể tự tin tham gia các chương trình nói trên, Thanh cho hay, ngoài những chuẩn bị về mặt kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng mềm… thì ngoại ngữ là điều kiện cần và đủ. Bên cạnh phục vụ cho việc tìm kiếm, đọc các tài liệu, các thành tựu mới của y khoa trên thế giới nhanh chóng phục vụ cho học tập, kỹ năng ngoại ngữ tốt còn là “chìa khóa” mở ra cho Thanh nhiều cơ hội để phát triển bản thân.  

Với vai trò là chủ nhiệm CLB tiếng Anh của trường, năm 2015, Thanh may mắn được tham gia công tác hỗ trợ các giáo sư đầu ngành trên thế giới tới Việt Nam để dự Hội thảo. “Tôi đã có cơ hội gặp và làm quen, hỗ trợ cho GS.TS.BS Dominique Bron (người Bỉ) là tổng thư kí của hội nghị. Sau hội nghị, tôi rất may mắn được giáo sư giới thiệu một học bổng ngắn hạn đến Bỉ vào năm 2015. Điều đặc biệt, khi được lựa chọn sang Bỉ, tôi đã được giáo sư Dominique Bron cho ở trong nhà để thuận tiện cho việc học tập”, Nguyệt Thanh cho hay. 

Giỏi ngoại ngữ, nên Thanh cũng đã nhiệt tình tham gia các cuộc thi và từng giành giải Nhì (Bảng Cán bộ Đoàn) trong Cuộc thi “Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ II - Năm 2020”, Bằng khen của Trung ương Đoàn về giải Khuyến khích trong Cuộc thi “Olympic Tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ II – Năm 2020”… Hiện, Thanh cũng tham gia hỗ trợ tại CLB Tình nguyện quốc tế của Ban Quốc tế (Thành Đoàn TPHCM).

Tích cực tham gia NCKH 

Trong 6 năm học đại học, Nguyệt Thanh đã thực hiện ba đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài mà Thanh nhớ nhất chính là “Cộng đồng Nguồn tạng sống”. Với đề tài này, Thanh đã giành được giải Nhì trong cuộc thi “Giải pháp sáng tạo Y tế cộng đồng năm 2017” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức.

Năm 2019, Thanh đã đề xuất công trình nghiên cứu “Hiệu quả sử dụng ánh sáng đỏ trong thiết lập tĩnh mạch ngoại biên ở trẻ em”. Nghiên cứu được thực hiện trên 160 bệnh nhi nhập cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Theo đó, nghiên cứu này bước đầu phân loại được các nhóm bệnh nhi cần được tiếp cận thận trọng trong quá trình thiết lập tĩnh mạch ngoại biên. Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của một công cụ hỗ trợ trong việc lấy máu tĩnh mạch của bệnh nhân, góp phần làm tăng hiệu quả điều trị, giảm thời gian và chi phí điều trị. Đề tài của Thanh sau đó đạt giải Nhì “Hội nghị Khoa học Điều dưỡng Nhi khoa toàn quốc lần thứ XV” năm 2019, giải Nhất “Hội nghị Ứng dụng Công nghệ Sinh - Y sinh trong điều trị Y khoa lâm sàng lần 1 - năm 2019” và giải Ba “Hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ XII” Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, năm 2019. 

Nguyệt Thanh chia sẻ, khởi đầu những năm tháng trải nghiệm tại môi trường ĐH, Thanh đã tự đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể. Đó là đến càng nhiều nước càng tốt để học hỏi, mở mang kiến thức, rèn kỹ năng ngoại ngữ và tham gia nhiều hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau để bản thân tự tin hơn, có nhiều kỹ năng mềm, có sự kết nối với bạn bè quốc tế. Ở cái độ tuổi đẹp nhất - tuổi trẻ, Nguyệt Thanh đã tận dụng thời gian mà mình có để trải nghiệm, để học tập, để nuôi những hoài bão... và góp sức của mình cho cộng đồng từ nhiều điều nhỏ nhất. 

Trong năm 2020, trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp trong nước và quốc tế, Nguyệt Thanh đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh với vai trò là Trưởng nhóm sinh viên - Đội hình Giảng viên, Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) với các công việc cụ thể như thực hiện các sản phẩm chuyên đề “Bài học kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại bệnh viện Bạch Mai, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) và Công ty Samsung”... 

Nguyệt Thanh đã tham gia các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế và khoa học sức khỏe, có các bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học y khoa uy tín.

Tôi rất tự hào khi được vinh danh là công dân trẻ tiêu biểu của thành phố năm 2020. Đây là động lực để tôi tiếp tục học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao chuyên môn, theo đuổi hướng đi nghiên cứu trong tương lai về biến đổi gen, đồng thời nỗ lực tham gia nhiệt tình hơn các công tác đoàn hội, cũng như sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về học tập ngoại ngữ, về các hoạt động tình nguyện quốc tế… với các bạn sinh viên sau này. - Đỗ Phạm Nguyệt Thanh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ