Trước quan niệm đó, xu hướng khởi nghiệp của các bạn SV là tìm kiếm công việc có nền tảng vững chắc hoặc kinh doanh...
Bước đầu tạo dựng nghề nghiệp
Nhiều bạn SV tâm sự rằng, chúng em rất sợ khi ra trường bị thất nghiệp bởi vậy, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, chúng em thường xin đi làm thêm để thử sức cũng như để kiếm thêm thu nhập, sau đó là để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Vào nghề PR chưa được 2 năm nhưng cô sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Lan Anh đã phần nào đó khẳng định được vị trí của mình với hàng loạt bài PR thành công cho các thương hiệu hàng đầu như Omo, Sunsilk, Clear, Dove, PS, Close - up (Uniliver), các sản phẩm của các hãng sữa: Dutch Lady, Vinamilk, Millo... Cũng như nhiều bạn trẻ khác, Lan Anh bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất và tìm được công việc bán hàng tại một cửa hàng băng đĩa với mức lương 2.500.000 đồng/ tháng. Trải qua hai lần thay đổi chỗ làm, Lan Anh đã tham gia thi tuyển và bắt đầu công việc tại một công ty quảng cáo với một hợp đồng 3 tháng. Hoàn thành tốt công việc, công ty kéo dài hợp đồng thêm 3 tháng và cứ thế đến nay Lan Anh đã có gần 2 năm gắn bó với công việc này với chức danh trợ lý PR của công ty.
Với Ngọc Lan, SV năm thứ 3 Khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội, hè này, cô quyết định không đi gia sư nữa mà xin đến một Trung tâm để ôn luyện, dạy hè cho học sinh. Công việc chắc chắn sẽ vất vả hơn nhưng cô cảm thấy rất thoải mải vì ở đó Ngọc Lan sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm cho công việc sau này. Hơn nữa một ngày nếu Ngọc Lan nhận đứng lớp cả 2 ca thì chắc chắn sẽ có thu nhập đáng kể.
Khởi nghiệp là nhân viên tư vấn cho một công ty du học với mức lương 2.000.000 đồng/tháng làm việc bán thời gian, rồi “lang thang” làm nhân viên tư vấn cho nhiều trung tâm ngoại ngữ với mức lương nhiều khi chỉ đủ chi trả cho việc học của mình, Nguyễn Mạnh Hùng tự nhận mình là người làm thuê không biết mệt mỏi. Nhận biết sức học mình chỉ ở mức trung bình nên ngay khi còn học phổ thông, Hùng đã chú tâm đầu tư học tiếng Anh thật tốt. Ngay khi còn là sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, Hùng đã tham gia vào công việc hướng dẫn cho những đoàn du khách quốc tế song song với việc làm bán thời gian cho một số trung tâm ngoại ngữ. Với hơn 10 lần thay đổi công việc, chàng trai 23 tuổi này hiện đang là nhân viên kinh doanh phục vụ công việc đối ngoại và tiếp đón các đoàn khách quốc tế của công ty du lịch với mức lương gấp 10 lần so với lúc khởi nghiệp.
Với Ngô Nhật Ngân (sinh viên năm thứ 3 Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Hà Nội đã thành công với cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm. Cửa hàng quà lưu niệm Nhật Ngân được mở ngay cạnh khu kí túc xá Mễ Trì đã thu hút rất đồng bạn trẻ của làng ký túc xá Mễ Trì bởi những món quà độc và “hót” mà nhiều cửa hàng kỳ cựu nơi đây không có được. Khi kinh doanh những mặt hàng này, Ngân cũng có nhiều lợi thế bởi hằng ngày lên lớp, tiếp xúc với các đối tượng bạn bè, cô có thể biết được “mốt” mà họ ưa chuộng và cái nào đang “hot” nhất. Từ đó Ngân đã có kế hoạch để nhập hàng.
Ngân cho biết: Ban đầu chuyện em mở shop đâu dám cho gia đình biết vì bố mẹ lo ảnh hưởng đến việc học tập. Vốn làm ăn em cũng vay mượn của bạn bè. Tính luôn chi phí thuê mặt bằng, tiền vốn em bỏ ra cũng hơn 50 triệu đồng. Đến nay, sau gần một năm kinh doanh shop quà lưu niệm, Ngân cho biết, đã bắt đầu thu lãi.
Những khó khăn
Với cô chủ nhỏ như Nhật Ngân, chuyện kinh doanh lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn. Để có những món hàng “độc” Ngân phải lặn lội đi nhiều nơi để tham khảo mẫu mã sau đó mới chọn lựa những mẫu đẹp, hợp giới trẻ để nhập về cửa hàng của mình. Sau một thời gian Ngân chuyển sang khai thác những sản phẩm “hand-made” do chính bàn tay cô tự chế như vòng đeo tay, dây đeo các loại đến những tấm thiệp, bưu thiếp...
Nói về những khó khăn vất vả trong công việc kinh doanh của mình, Ngân tâm sự: Để hàng của mình thật sự “độc”, tôi quyết định mình tự làm và đặt một số người làm chứ không đi tới các chợ lớn để nhập hàng nữa. Như thế khỏi lo đụng hàng với bất kỳ cửa hàng lưu niệm nào.
Với Lan Anh, Ngọc Lan đều nhớ như in ngày đầu tiên rụt rè đi xin việc ở nhiều nơi cho đến khi tìm được công việc. Theo hai bạn, để tìm kiếm được công việc phù hợp, tiêu chí đầu tiên mà nhiều 8X đặt ra là sự kiên trì, chờ đợi và yêu nghề. Khó khăn lớn nhất mà các bạn gặp phải là việc sắp xếp thời gian, làm sao vừa bảo đảm giờ lên lớp vừa hoàn thành tốt công việc. Ngọc Lan cho biết sở dĩ cho đến nay bạn vẫn hoàn thành tốt cả việc học và làm chính là nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các đồng nghiệp ở Trung Tâm.
Còn với Lan Anh, bạn luôn tự sắp xếp lịch làm việc thật khoa học theo từng ngày và hoàn thành tốt công việc ngay trong ngày, không ôm đồm nhiều việc, khi làm việc, dù là công việc nhỏ nhất cũng phải hết sức chú tâm. Còn với Hùng chủ động hơn với hướng đi trong tương lai, sẵn sàng làm việc ngay sau khi ra trường là những cái “được” mà sinh viên Ngoại ngữ có sau những công việc bán thời gian ngoài sách vở. Đó cũng là lời khuyên của không ít chuyên gia trong ngành. Theo họ, công nghệ luôn có sự thay đổi nhanh chóng, vừa học vừa làm thêm, sinh viên mới theo được công nghệ và nắm bắt được những cơ hội việc làm một cách kịp thời.
Ấp ủ những ước mơ
Thử sức và trải nghiệm hơn 10 công ty khác nhau, Hùng cho biết, mình đang cố gắng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm để tự thành lập một công ty du lịch của riêng mình, do chính mình làm chủ với những tour du lịch chất lượng cao và đội ngũ nhân viên đa số là các bạn SV.
Lan Anh mong muốn trở thành một PR chuyên nghiệp. Ra trường cô có thể không làm tại các tòa soạn báo chính thống mà đi làm truyền thông cho các công ty lớn, công việc thoải mái hơn, thu nhập cũng cao hơn.
Nhật Ngân, Ngọc Lan... cũng có những dự định, ấp ủ của riêng mình cho bước đầu khởi nghiệp. Dù là đi dạy học hay kinh doanh, mỗi người đều chuẩn bị cho mình bước đi riêng. Các bạn cũng giống như bao bạn SV khác, đều ấp ủ những ước mơ cho tương lai, tuy bước đầu khởi nghiệp khác nhau nhưng hầu hết đều đạt được những thành công nhất định. Việc tiếp xúc với thực tế sẽ đem lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích.
Tuy nhiên, để không bị ảnh hưởng đến việc học tập, các bạn SV cần biết cân bằng giữa việc học và làm thêm. Sức trẻ, niềm say mê và những ước mơ ấp ủ, chính điều đó đã tạo nên thành công cho một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và thành đạt.