“Trăm nghề” để chọn lựa
Trong xã hội hiện đại, đám cưới cũng được đầu tư hơn, quy mô hơn. Vì vậy, để tìm một việc làm thêm vào mùa cưới (nở rộ từ tháng 8 âm lịch), sinh viên có thể chọn bê tráp, phục vụ bàn đến làm MC, hát... Yêu cầu của hầu hết các công việc này không quá khó khăn, vất vả đối với các bạn sinh viên.
Nguyễn Văn Đăng (sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có chiều cao gần 1,8m) đã có kinh nghiệm 2 năm trong “nghề” bê tráp thuê. Đăng cho biết: Mỗi lần bê tráp (khoảng gần 2 giờ), em được trả từ 100.000 - 150.000 đồng, cộng với tiền lì xì chủ nhà cũng được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Ngoài ra, nếu nhà chú rể có “điều kiện”, tiền “lót tay” lên tới 200 - 300.000 đồng. Vào mùa cao điểm, có những ngày em chạy đến 2 - 3 nhà để bê tráp, cũng được cả triệu đồng.
“Nói thật, đối với sinh viên nghề này là quá nhàn so với các nghề khác. Tuy một yêu cầu duy nhất không phải ai cũng đáp ứng được là có ngoại hình sáng sủa, nhanh nhẹn, hoạt bát và có phương tiện để di chuyển. Quần áo cũng không cần đầu tư, bởi thông thường các gia đình đã thuê trang phục riêng cho đội bê tráp” - Đăng chia sẻ.
Không chỉ có nghề bê tráp mới giúp sinh viên “hốt bạc” mùa này. Vốn có năng khiếu viết chữ đẹp, Đinh Hồng Ngọc (sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận viết thiệp thuê cho các cửa hàng thiệp cưới. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi mỗi tối, Ngọc lại ngồi nắn nót viết tên khách mời theo danh sách đã có sẵn. “Viết nhiều sẽ mỏi tay, vì vậy phải tranh thủ, cứ rảnh là ngồi viết. Mỗi ngày em cũng viết được gần 200 chiếc thiệp. Vào mùa cao điểm, có ngày em cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Vừa kiếm được tiền, em lại vừa tranh thủ luyện chữ...” - Ngọc cho biết.
Những sinh viên có tài ăn nói và khiếu hài hước có thể chọn lựa nghề MC đám cưới. Vài năm trở lại đây, đám cưới nào hầu như cũng có sự góp mặt của MC để khuấy động không khí. Vì vậy, Nguyễn Văn Quân (sinh viên Trường Đại học Thương mại) đã tranh thủ những ngày được nghỉ học để góp phần giúp đám cưới thêm sôi động.
“Đến xin việc tại một công ty chuyên tổ chức đám cưới trọn gói, em được đào tạo một khóa MC ngắn hạn. Vốn hoạt ngôn, em học thuộc lời dẫn và biến tấu khá linh hoạt. Nếu nhà chủ ưng ý, họ còn “tip” thêm tiền, có khi em nhận được cả mấy triệu đồng” – Quân cho biết.
Những tình huống “dở khóc, dở cười”
Mang lại thu nhập cao nhưng đôi khi, các công việc thời vụ này cũng mang đến những nỗi vất vả, nhiều kỷ niệm vui buồn với sinh viên. Theo chia sẻ của một số sinh viên làm thêm mùa cưới, có những câu chuyện chỉ người từng trải mới hiểu rõ được.
Nguyễn Thị Hồng Nhung (sinh viên Trường Đại học Thương mại) vốn thích mặc áo dài từ bé. Khi lên đại học, Nhung biết được công việc bê tráp sẽ được thỏa sức mặc áo dài mà lại có tiền, công việc cũng không vất vả. Vì vậy, Nhung xin vào làm cho một cửa hàng chuyên dịch vụ cưới hỏi. Khi có đám, họ sẽ chủ động liên hệ, thông báo thời gian, địa điểm.
“Hôm đó, em được gọi đến nhà cô dâu ở Cầu Giấy (Hà Nội). Em đến sớm hơn giờ hẹn nửa tiếng. Nhưng oái oăm thay, thời gian đó vẫn không kịp để nhà chủ thuê cho em một chiếc áo dài khác. Chiếc áo dài họ thuê cho em chẳng may bị lỗi chỉ, chiếc áo như chỉ chờ bung ra. Cả buổi hôm đó em cứ phải đi lại khép nép, thậm chí không dám ngồi. Bây giờ em nghĩ lại vẫn thấy bị ám ảnh”.
Đinh Hồng Ngọc cũng có lần “dở khóc, dở cười” khi viết thiệp. Sau khi viết xong xuôi hơn 200 tấm thiệp, không may nước mưa ngấm vào ướt hết cả, chữ bị nhòe tùm lum. Đêm hôm đó, Ngọc cũng phải thức trắng làm lại từ đầu, để kịp mang giao cho khách vào sáng hôm sau.
“Lúc ấy, đúng là không khóc nổi. Bao nhiêu công sức của mình bỏ ra để nắn nót từng chữ. Nhưng tai nạn đó cũng là lỗi của mình không bảo quản cẩn thận. Sau này, viết nhiều rồi, mình có kinh nghiệm hơn nên không bao giờ để xảy ra tình huống “khóc dở, mếu dở” như thế nữa” - Ngọc chia sẻ.
Hay như Quân, vốn tưởng công việc MC thì chỉ cần ăn nói lưu loát, có duyên là ổn, nhưng chính việc dẫn dắt sân khấu này lại mang lại những “tai nạn” không thể ngờ. “Cái miệng làm khổ cái thân”, theo Quân, điều quan trọng nhất của MC đám cưới là dẫn dắt vui vẻ, khuấy động sân khấu nhưng vẫn phải tiết chế, tránh để cảm xúc cá nhân lớn quá. Đôi khi, MC đám cưới vui quá sẽ bị rơi vào tình trạng dẫn dắt lố bịch, kém duyên.