Sinh viên hào hứng trải nghiệm nghề nghiệp tại di sản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình giáo dục bảo tàng với chủ đề 'Tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Chămpa' được dành cho sinh viên chuyên ngành trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sinh viên các trường đại học ở Đà Nẵng tham quan đài thờ Đồng Dương tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh.
Sinh viên các trường đại học ở Đà Nẵng tham quan đài thờ Đồng Dương tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh.

Thông qua tham quan, trao đổi học thuật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, sinh viên các trường đại học trên địa bàn hiểu rõ hơn về nền văn hóa Chămpa hưng thịnh một thời.

Hiểu rõ về văn hóa Chăm

Để sinh viên tiếp cận kiến thức nền tảng và chuyên sâu về nghệ thuật tôn giáo Chămpa, bổ sung nội dung hữu ích cho các học phần tại nhà trường, năm 2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng xây dựng và tổ chức chuỗi hoạt động thuộc chương trình giáo dục bảo tàng với chủ đề “Tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Chămpa”.

Chương trình dành cho sinh viên chuyên ngành Lịch sử, Văn hóa, Kiến trúc, Du lịch trên địa bàn thành phố.

Chương trình gồm nhiều hoạt động như: Tham quan không gian trưng bày, tìm hiểu hiện vật; trao đổi giữa sinh viên, giảng viên và báo cáo viên của bảo tàng; cuộc thi làm video giới thiệu các hiện vật tại bảo tàng và nghệ thuật tôn giáo Chămpa.

Chuyên đề đầu tiên tổ chức ngày 23/5, với chủ đề “Siva giáo thể hiện qua bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”.

Các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) được tham quan không gian trưng bày, tìm hiểu lịch sử Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Bên cạnh đó, tham gia trao đổi, tìm hiểu thông tin về Siva giáo; thảo luận, đóng góp ý kiến và trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung buổi học thuật.

Với sức hấp dẫn ở buổi học thuật trước, tại buổi trao đổi ngày 19/9 về nội dung “Phật giáo Chămpa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương” thu hút hơn 100 sinh viên ngành như Du lịch, Quản trị kinh doanh, Quản trị sự kiện, Sư phạm Lịch sử… từ các trường đại học đến tìm hiểu và trao đổi.

Tại đây, các giảng viên, sinh viên được tham quan không gian trưng bày, tìm hiểu về tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (hay còn gọi là Bồ tát Tara), đài thờ Đồng Dương và những hiện vật được tìm thấy tại di tích Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây là nơi được xem như trung tâm Phật giáo quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, sinh viên còn được tham gia phần trao đổi học thuật, trọng tâm là tìm hiểu thông tin về chiều dài lịch sử, Vương quốc Chămpa cổ đại tiếp thu các nền nghệ thuật, tôn giáo từ Ấn Độ, Trung Quốc...

Sau phần tham quan và trao đổi, em Nguyễn Thị Hồng An – sinh viên K21 Khoa Du lịch (Trường Đại học Kiến trúc) cho biết, nghệ thuật Phật giáo Đồng Dương là phong cách nghệ thuật nổi bật của Chămpa vào cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực.

“Qua buổi trao đổi học thuật và chiêm ngưỡng các hiện vật về văn hóa Chămpa, bản thân học được nhiều điều, làm phong phú thêm vốn hiểu biết”, em Hồng An chia sẻ.

Với Nguyễn Ngọc Huyền – K26 Khoa Du lịch Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), đây là buổi học thuật thứ 2 em tham gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đặc biệt, Bảo tàng đã mở kho đặc biệt - nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia là Bồ tát Tara và Ganesha cho sinh viên tham quan.

“Nội dung chương trình hết sức ý nghĩa bởi nó giúp chúng em củng cố kiến thức, trải nghiệm thực tế để sẵn sàng bắt đầu công việc sau khi ra trường”, Ngọc Huyền cho hay.

Sinh viên và giảng viên xem Tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (hay còn gọi là Bồ tát Tara). Ảnh: Hoàng Vinh.
Sinh viên và giảng viên xem Tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara (hay còn gọi là Bồ tát Tara). Ảnh: Hoàng Vinh.

Giáo dục truyền thống qua di sản văn hóa

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ThS Nguyễn Ký Viễn - Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, tham gia các buổi trao đổi học thuật về văn hóa sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức. Từ đó, các em thấu hiểu sâu sắc hơn và thể hiện sự tôn trọng với văn hóa truyền thống và người dân ở những nơi sẽ làm việc hoặc đến du lịch sau này.

“Đây cũng là nền tảng kiến thức quý báu mà sinh viên có thể trang bị cho bản thân trên hành trình trở thành hướng dẫn viên du lịch giỏi trong tương lai. Đồng thời là cơ hội tốt để các em có thể tiếp cận với dự án nghiên cứu về văn hóa đã và đang triển khai, từ đó khơi dậy cảm hứng tìm hiểu và đưa các khía cạnh văn hóa vào nghiên cứu trong du lịch của mình”, ThS Nguyễn Ký Viễn nhìn nhận.

Thông qua buổi trao đổi học thuật, ông Hồ Tấn Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục tại Bảo tàng, đặc biệt là với công chúng trẻ như học sinh, sinh viên.

Những buổi trao đổi học thuật sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức. Ảnh: Hoàng Vinh.

Những buổi trao đổi học thuật sẽ giúp sinh viên mở rộng kiến thức. Ảnh: Hoàng Vinh.

Theo ông Tuấn, từ kết quả khảo sát nhu cầu của sinh viên và giảng viên chuyên ngành Lịch sử, Văn hóa, Kiến trúc và Du lịch trên địa bàn thành phố, trong năm 2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thí điểm triển khai các chương trình giáo dục chuyên đề dành riêng cho nhóm này với hình thức là buổi trao đổi học thuật.

Qua đó, giới thiệu nghệ thuật tôn giáo Chămpa thông qua bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc trưng bày tại Bảo tàng với sự chủ trì của chuyên gia, nhà nghiên cứu.

“Những buổi trao đổi học thuật như vậy sẽ cung cấp cho sinh viên nhiều tư liệu, vấn đề mới trong nghiên cứu để từ đó thảo luận, làm rõ hơn về văn hóa Chămpa. Điều này đồng thời giúp người học có tinh thần nghiên cứu khoa học, thêm thông tin tư liệu để sau này ra trường có thể thuyết minh, quảng bá văn hóa Chăm, di sản văn hóa của địa phương đến với bạn bè quốc tế.

Thông qua trao đổi học thuật, Bảo tàng cũng có thêm nhiều tư liệu từ các giảng viên để tiếp tục nghiên cứu những vấn đề trong văn hóa Chămpa”, ông Hồ Tấn Tuấn khẳng định.

“Qua buổi trao đổi học thuật cho thấy, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng về tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia; đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn TP Đà Nẵng”, ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.