Học tập thông qua các chuyến tham quan
“Viện bảo tàng, nơi mà các học sinh không cảm thấy áp lực phải tiếp thu kiến thức sẽ là nơi mà chúng ta dễ dàng truyền đạt kiến thức, cũng như giúp tăng cường những kỹ năng mềm hữu ích, bằng một cách thức nhẹ nhàng mà đôi khi chính người dạy và người học cũng không ý thức được. Và quan trọng hơn là những cách thức giảng dạy này có thể áp dụng cho mọi sinh viên, ở mọi lứa tuổi không phân biệt ngành nghề đang theo học”, Pamela Erskine-Loftus, Giám đốc Trung tâm Media Majlis, đơn vị phụ trách chương trình giáo dục tại các viện bảo tàng, trực thuộc Đại học Northwestern Qatar, chia sẻ.
Ngoài ra, những chuyến đi ngoại khóa đến bảo tàng của giáo dục Qatar không chỉ là một buổi tham quan đơn thuần, mà sẽ đều có những mục tiêu giáo dục cụ thể được đặt ra cũng như sẽ có những công cụ giáo dục hỗ trợ. Trước mỗi chuyến đi, nhà trường sẽ kết hợp với viện bảo tàng để tiến hành xây dựng những chương trình cũng như thiết kế trải nghiệm có tính giáo dục cao nhất. Khi đó, viện bảo tàng sẽ tổ chức những buổi họp mỗi tuần hoặc mỗi tháng với các chuyên gia giáo dục đến từ các trường để đề xuất phương án giáo dục của mình trước khi nghe phần phản hồi, trình bày cũng như bổ sung của những chuyên gia của trường. Với mỗi trường, vốn có cách thức giảng dạy, độ tuổi và mục tiêu giáo dục riêng biệt nên sẽ có những yêu cầu riêng, từ việc sắp đặt thêm một số khu vực mới hay thậm chí là việc phải sản xuất các bản sao của những vật phẩm trưng bày để các sinh viên có thể chạm vào hiện vật.
Vì sao lại là viện bảo tàng?
Với mô hình giáo dục được áp dụng bằng cách sử dụng viện bảo tàng để mang đến những trải nghiệm giáo dục thiết thực, khác biệt nhưng vô cùng hiệu quả, nhiều chuyên gia giáo dục quốc tế đã đặt câu hỏi tại sao lại là viện bảo tàng? Đó là vì viện bảo tàng không phải là nơi duy nhất có thể đáp ứng được các yêu cầu mà mô hình này vạch ra và thậm chí có một số trung tâm giáo dục hứa hẹn có thể thực hiện tốt vai trò này hơn là nơi mà nhiều học viên cảm thấy tẻ nhạt như viện bảo tàng.
Điều này được lý giải như sau: Tại Qatar, truyền thống của các viện bảo tàng là một phần không thể không nhắc đến trong quá trình phát triển của quốc gia Trung Đông này, dù rằng sự thịnh vượng ngày nay của quốc gia không gắn liền với các giá trị cổ xưa ấy. Bên cạnh đó, với việc đô thị hóa nhanh chóng từ sau khi Qatar trở nên giàu có bằng nền công nghiệp khai thác dầu mỏ, hầu hết các di tích lịch sử đã phải nhường chỗ cho những tòa cao ốc hay những khu công nghiệp hiện đại.
Chính vì vậy mà những viện bảo tàng, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử còn sót lại của Qatar chính là một nơi linh thiêng, luôn có giá trị nhất định trong xã hội và được kỳ vọng là phương tiện giúp điền vào những khoảng trống về kiến thức văn hóa truyền thống của quốc gia.
Bên cạnh yếu tố truyền thống, việc chọn bảo tàng là nơi phát triển và nghiên cứu mô hình giáo dục mới cũng là một quyết định mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn của các nhà giáo dục quốc gia này. Điều này xuất phát từ việc viện bảo tàng là nơi mà các nhà giáo dục có thể khám phá, nghiên cứu và bày tỏ quan điểm của mình ở các chủ đề nhạy cảm, khó có thể thảo luận tại nhà trường hay tại một trung tâm giáo dục công khai...
“Đối với bất kỳ quốc gia nào, sự thịnh vượng và phát triển của nó không chỉ được phản ánh thông qua các nguồn ngân sách, tỉ trọng kinh tế, các tòa nhà chọc trời, mà còn được thể hiện thông qua các công trình lịch sử và những viện bảo tàng lớn.Vì thế không có gì giá trị hơn khi các thế hệ trẻ của một quốc gia được giảng dạy và phát triển bản thân ngay tại những viện bảo tàng dân tộc ấy”, Jean Nouvel, Kiến trúc sư của hai dự án văn hóa lịch sử lớn của Qatar là Bảo tảng Louvre Abu Dhabi và Bảo tàng Quốc gia Qatar, cho biết.