Đó là những kỷ vật một thời, mẹ Tơm dùng để nuôi nhà thơ Tố Hữu và những cán bộ cách mạng năm xưa.
Kỷ vật năm xưa
“Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa/ Một buổi trưa, nắng dài bãi cát...”, đó là 2 câu đầu trong bài thơ “Mẹ Tơm” của nhà thơ Tố Hữu, viết về bà Nguyễn Thị Quyển (1880 - 1953). Bà Quyển còn gọi là mẹ Tơm, quê ở làng Hanh Cù, nay là thôn Đông Thành, xã đảo Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Năm 2009, nhà mẹ Tơm được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Hiện nay, dấu tích về căn nhà tranh vách đất năm xưa không còn, mà được thay bằng căn nhà ngói 3 gian khang trang, nằm trong khuôn viên rộng khoảng 700m2. Ngôi nhà của mẹ những ngày tháng 7 rợp bóng cây, những chùm quả chín mọng đung đưa trong gió mát.
Thắp nén hương thơm lên bàn thờ mẹ Tơm, ông Vũ Ngọc Rỡ (cháu nội mẹ Tơm) lấy những kỷ vật từng gắn với cuộc đời mẹ Tơm, giới thiệu cho chúng tôi. Đây là những kỷ vật được gia đình ông giữ gìn hơn 80 năm qua. Trong đó, có bộ đồ nghề cắt tóc dạo, những hũ sành còn gọi là “hũ gạo tiết kiệm”, được mẹ Tơm đựng gạo để dành nuôi cán bộ cách mạng năm xưa.
Bộ đồ nghề cắt tóc được cất giữ trong một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật, bên trong vẫn còn bộ tông đơ, dao kéo cắt tóc, lược chải đầu, hộp đựng phấn,... Trải qua thời gian, những vật dụng này đã hoen gỉ nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn, được con cháu của mẹ Tơm giữ gìn.
“Những kỷ vật của mẹ Tơm được gia đình tôi gìn giữ nhiều năm nay. Những hôm rảnh, tôi thường mang kỷ vật này ra cẩn thận lau chùi rồi lại xếp gọn gàng như cũ”, ông Rỡ nói.
Ông Vũ Ngọc Rỡ (cháu nội mẹ Tơm) bên kỷ vật từng gắn bó cả cuộc đời của mẹ Tơm. |
Những dụng cụ cắt tóc dạo năm xưa của 2 người con mẹ Tơm. Những kỷ vật đã hoen gỉ theo thời gian nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. |
Theo tài liệu lịch sử, mẹ Tơm sinh được 4 người con, hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên mẹ thường xuyên phải làm thuê cho các gia đình giàu có mới có tiền đong gạo. Khi chiến khu du kích Ngọc Trạo (Thạch Thành, Thanh Hóa) thất bại, trước tình thế nguy cấp, năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa phải chuyển sang vùng Nga Sơn, Hậu Lộc để tiếp tục hoạt động.
Ngôi nhà 3 gian 2 chái làm bằng phên tre, mái rạ của mẹ Tơm trở thành nơi nuôi giấu những cán bộ cách mạng ngày ấy. Gia đình mẹ Tơm dành riêng một gian để cán bộ làm việc, in tài liệu và viết truyền đơn.
Ngoài Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa khi đó là ông Lê Tất Đắc, sau này Tố Hữu vượt ngục cũng trở về Thanh Hóa và được mẹ Tơm nuôi giấu trong ngôi nhà của mình. Nhà mẹ Tơm hồi ấy còn có các ông: Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ,...
Lúc bấy giờ, ngôi nhà của mẹ Tơm đã trở thành căn cứ cách mạng giúp cán bộ của ta củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở móc nối liên lạc với bên ngoài. Nhà thơ Tố Hữu được phân công làm Tổng biên tập, viết và in báo “Đuổi giặc nước” bằng li tô (khắc trên đá sau đó in ra giấy).
Gia đình mẹ Tơm mỗi người một việc, chồng mẹ Tơm ở nhà đan rổ ngoài hè để canh gác, còn mẹ đi chợ bán bó rau, mớ củi lấy tiền mua gạo nuôi cách mạng. Khi có cơ hội, mẹ Tơm sẽ rải truyền đơn ngoài chợ. Đêm đêm, mẹ còn ra cồn cát cách nhà khoảng 50m để canh gác, khi có động tĩnh mẹ sẽ báo ngay giúp cán bộ của ta kịp thời sơ tán.
Hai người con trai của mẹ Tơm là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu cũng được giác ngộ cách mạng từ sớm và cùng được giới thiệu tham gia tổ chức “Việt Nam Độc lập Đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh). Ngày ngày, 2 người con của mẹ Tơm sử dụng bộ đồ nghề đi cắt tóc dạo, đồng thời làm nhiệm vụ liên lạc, đưa báo và truyền đơn của ta tới các cơ sở tại Nga Sơn, Hà Trung, Hoằng Hóa...
Năm 1944, sau khi Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa Lê Tất Đắc được điều ra Trung ương, cơ sở hoạt động nhà mẹ Tơm bị lộ. Thực dân Pháp và tay sai đã vây ráp, bắt 2 người con trai của mẹ giam cầm tại nhà lao thị xã Thanh Hóa.
Sau nhiều tháng tra khảo, bọn chúng không khai thác được thông tin gì đành phải thả 2 người con của mẹ ra. Ông Sồ và Hậu sau khi được thả, tiếp tục móc nối với cơ sở cách mạng để hoạt động, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
Hình thành lý tưởng sống tốt đẹp
Những bức ảnh quý của các cán bộ hoạt động cách mạng được lưu giữ tại di tích mẹ Tơm. |
Ghi nhớ công lao của mẹ Tơm đối với cách mạng, năm 1966, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng “Có công với nước” cho mẹ Tơm. Đến năm 2009, nhà mẹ Tơm được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử cách mạng, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế mai sau.
Năm 2010, được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, chính quyền địa phương đã xây dựng nhà lưu niệm mẹ Tơm bằng sự hỗ trợ của Nhà nước và các con, các cháu của mẹ.
Công trình được hoàn thành năm 2011, với khu nhà 3 gian khang trang, tọa lạc trong khuôn viên khoảng 700m2. Năm 2022, khu lăng mộ mẹ Tơm nằm cạnh di tích cũng được các con, các cháu của mẹ tôn tạo lại khang trang và thoáng mát, với diện tích hơn 1.300m2.
Có mặt tại di tích, thầy giáo không chân Đào Thanh Hương niềm nở, chia sẻ: “Là một nhà giáo, lại giảng dạy môn Lịch sử, với tôi di tích lịch sử cách mạng mẹ Tơm có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nhà mẹ Tơm còn có ý nghĩa như một nét đẹp văn hóa trong việc giáo dục tín ngưỡng, văn hóa của địa phương. Quá trình giảng dạy, tôi cũng thường đưa học sinh ra khu di tích để các em hiểu được truyền thống yêu nước của các bậc tiền nhân”.
Theo thầy Hương, khi tham quan khu di tích, các em học sinh không chỉ am hiểu về truyền thống yêu nước mà còn biết thêm những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt, tiêu biểu nhất là hình tượng mẹ Tơm.
Bằng 'Có công với nước' được Thủ tướng Chính phủ tặng mẹ Tơm. |
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (bìa phải), thầy giáo Đào Thanh Hương (giữa) trò chuyện về mẹ Tơm. |
Lễ kết nạp đoàn viên tại di tích mẹ Tơm. |
“Đặc biệt, di tích còn góp phần hình thành cho các thế hệ học sinh lý tưởng sống tốt đẹp. Đó là tinh thần yêu nước, sống cống hiến và biết hy sinh cho Tổ quốc tươi đẹp”, thầy Hương chia sẻ.
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Với người dân địa phương, hình tượng mẹ Tơm, nhất là trong giai đoạn tiền khởi nghĩa là niềm tự hào. Di tích lịch sử cách mạng mẹ Tơm còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
“Hàng năm, Đoàn Thanh niên xã cũng như các trường ven biển Hậu Lộc thường xuyên tổ chức các lớp cảm tình Đoàn, hoạt động ngoại khóa tại khu di tích. Qua đó, giới thiệu cho các em về truyền thống cách mạng của các bậc tiền nhân”, ông Trung nói.