96% san hô đang bị đe dọa
Nguyễn Thụy Vũ, trưởng nhóm, chia sẻ, bờ biển nước ta trải dài trên 3.260 km theo phương kinh tuyến, địa hình phức tạp với trên 4.000 đảo và quần đảo. Căn cứ vào sự phân vùng theo vùng địa lý tự nhiên đã thống kê được sự xuất hiện giống san hô tạo rạn trên 5 vùng thuộc vùng ven biển Vịnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Vịnh Thái Lan. Với tổng số 69 giống san hô tạo rạn đã phát hiện ở vùng biển ven bờ Việt Nam chứng tỏ đây là vùng biển có sự đa dạng cao.
Các rạn san hô được coi là kho dược liệu dưới đáy biển do có mặt nhiều nhóm sinh vật có hoạt tính sinh học hoặc độc tố có giá trị dược liệu. Các loài san hô sừng, san hô mềm cho nhiều hoạt chất có giá trị dược liệu. Tính đa dạng của các loài trên san hô cao đến mức rạn được coi là “kho dự trữ” gen. Chúng lưu trữ nhiều chứng cứ để chúng ta có thể hiểu được các quần thể động thực vật.
Hệ sinh thái rạn san hô Việt Nam đang đối diện với những đe dọa từ con người như đánh bắt cá bằng thuốc nổ, hóa chất độc, khai thác san hô bừa bãi, hoạt động du lịch và các hoạt động kinh tế, xã hội khác. Người ta ước tính có khoảng 96% san hô bị đe dọa, trong đó 75% bị đe dọa nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Để bảo vệ san hô, nhóm nghiên cứu sử dụng giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Giải pháp bao gồm 3 phần: Để nâng cao nhận thức về san hô, thông qua cổng thông tin về các loài san hô ở Việt Nam. Nhóm cung cấp những nơi có san hô kèm theo đó là thông tin của các loại san hô (tên, môi trường sống, là môi trường sống của loài cá nào...).
Hai là để biết thực trạng các rạn san hô, nhóm tổ chức các kỳ lặn Diving Survey, khảo sát bằng cách quay video. Những vấn đề liên quan đến san hô sẽ được phát hiện sớm và xử lí kịp thời. Các video sau khi được thu thập sẽ được đưa gắn các thông tin về thời gian, vị trí lặn và được đưa vào hệ thống AI để phân loại và đánh giá các loài san hô. Cuối cùng là giải pháp trồng phục hồi san hô.
Trồng rừng dưới biển
Lê Nhâm Quý, thành viên nhóm, cho biết, dựa vào kiến thức chuyên môn về hệ sinh thái của các loài san hô và các động vật trong hệ sinh thái, nhóm đã thiết kế những vườn ươm phù hợp.
Mỗi vườn ươm sẽ có các khung cố định đặt dưới đáy biển, và các mảnh san hô được gắn trên khung. Các loại sinh vật biển phù hợp cũng sẽ được đưa về để đảm bảo tính tự nhiên của các vườn nuôi.
Vườn ươm san hô dưới đáy biển thực chất là sử dụng các khung kim loại, thường là hình vòm hoặc hình nhà kính, và đánh chìm xuống vị trí phục hồi. San hô được nuôi sống bằng những dây cáp phát đi dòng điện có điện áp thấp, đá vôi (thành phần cơ bản của san hô) sẽ tụ lại trên khung kim loại. Sau đó, các công nhân sẽ thu nhặt những mảnh san hô bị gẫy của rạn san hô hư hại cũ và gắn nó vào khung trên.
Một biện pháp khác là trồng san hô nhân tạo. Để có nguyên liệu trồng, phải tìm kiếm các gốc san hô bố mẹ để nhân giống. Khi khai thác về, họ dành từ 20 - 40% để gây giống, tuỳ theo từng loài.
Những gốc san hô được bảo quản trong các ngăn đặc biệt và được để dành cho những lần nhân giống tiếp theo. Việc nhân nuôi san hô đang được Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện.
PGS.TSKH Nguyễn Tác An, chuyên gia về hải dương học, cho biết, trong tự nhiên san hô chỉ phát triển khoảng từ 1 - 1,6 cm/năm. Nhưng trong điều kiện có tác động nhân tạo, san hô nuôi cấy chỉ trong vòng 6 tháng có thể phát triển được từ khoảng 3 - 10cm. Việc khôi phục quần thể san hô bằng nuôi nhân tạo đem lại hiệu quả rất cao.