Cứu san hô ở vịnh Nha Trang

GD&TĐ - Nếu không hành động ngay, những rạn san hô đẹp lộng lẫy ở vịnh Nha Trang sẽ chỉ còn là quá khứ với đà tác động quá mức vào thiên nhiên như hiện nay.

Du khách tham quan rạn san hô trên vịnh Nha Trang.
Du khách tham quan rạn san hô trên vịnh Nha Trang.

90% san hô suy giảm, biến mất

Kết quả nghiên cứu công bố mới nhất của Viện Sinh thái học và Tiến hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học trên tạp chí Marine and                  Freshwater Research1 ghi nhận 90% san hô đã biến mất so với những năm 1980. Trong đó, đáng báo động là giai đoạn hiện nay suy giảm mạnh nhất.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát san hô ở 10 điểm trong khoảng thời gian ba năm, lần cuối cùng vào năm 2019. Thực tế thật ngỡ ngàng: Độ che phủ san hô trung bình giảm 64,4% (tỉ lệ san hô biến mất dao động từ 43% đến 95%), trong đó, mức giảm mạnh nhất là hai chi san hô Acropora và Montipora, vốn là thành phần chủ yếu của rạn san hô ở vịnh Nha Trang, nay suy giảm lần lượt ở mức 80,6% và 82,3%.

Mức độ suy giảm của san hô ở các điểm khảo sát trên đều nghiêm trọng, chẳng hạn tại điểm quan sát gần đảo Hòn Một, các loài san hô này đã mất hoàn toàn hoặc độ che phủ giảm 4 lần, thậm chí có chỗ giảm tới 8 lần. Tình trạng suy giảm đặc biệt nghiêm trọng ở điểm khảo sát phía Bắc đảo Hòn Tre, độ che phủ san hô bị mất 98% (giảm 54 lần).

Kết quả quan sát, thu thập mẫu phân tích ở 20 điểm cố định, tính cả từ năm 2013 tới năm 2019, kết hợp với sử dụng công cụ lập bản đồ rạn và phân tích hệ thống thông tin địa lý GIS cho thấy: Tổng diện tích rạn san hô phong phú và khỏe mạnh ở vịnh Nha Trang đã giảm từ 6,65 km2 trước những năm 1980 xuống còn 0,74 km2 vào năm 2019.

Điều đó cho thấy, Nha Trang đã mất 90% san hô trong vòng chưa đầy 40 năm. 10% còn lại của quần xã san hô đang trong hai tình trạng: Một số vẫn ổn định và một số tiếp tục suy giảm, mức độ che phủ của quần xã còn lại dao động từ 13 đến 50% và tính phong phú đa dạng loài giờ đây cũng suy giảm nhiều.

“Mất rạn san hô là mất nơi cư trú, nơi sinh sống của các cộng đồng sinh vật có mối liên kết chặt chẽ với nhau: Trên rạn có tảo cộng sinh để quang hợp, tạo ra năng suất sơ cấp cho các loài cá ăn tảo, tiếp theo là các loài cá ăn thịt, tạo dây chuyền thức ăn.

Nên rạn san hô không còn cũng làm mất đứt gãy chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến nguồn lợi, sản lượng sinh vật có thể khai thác, cũng như đến chất lượng môi trường vịnh”, TS Nguyễn Hữu Huân, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Nguyên nhân sự suy giảm này là từ các hoạt động du lịch ở mức “bùng nổ”, xả thải, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản gây tác động chồng chéo cùng lúc. Hiện tượng gia tăng bồi lắng do cải tạo đất, nạo vét, xây dựng ven biển, đặc biệt là hoạt động xây dựng trên đảo Hòn Tre.

Hiện tượng phú dưỡng ngày càng tăng chủ yếu do xả thải, xả phân từ đất liền cũng như sự phát triển bùng nổ của nghề nuôi trồng thủy sản trong khu vực; thứ ba là đánh bắt quá mức và khai thác cạn kiệt nguồn lợi hải sản ở biển và cả dưới đáy biển. Còn nguyên nhân liên quan đến “thiên tai” chủ yếu do “sự bùng phát của kẻ thù tự nhiên chính của san hô - sao biển gai (Acanthaster planci) đã đe dọa đời sống của những phần san hô ít ỏi còn lại tương đối khỏe mạnh trong vịnh Nha Trang.

Những khu resort mọc lên ven biển, những công trình phục vụ khách du lịch đem lại nguồn thu cho Nha Trang nhưng mặt khác hoạt động kinh tế xã hội lớn nhất ảnh hưởng tới rạn san hô là lấn biển, lấn vịnh.

“Điều mà tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy được chứ chưa cần tới các đo đạc phức tạp hay lặn biển lấy mẫu là “cách đây ba đến năm năm, các hoạt động khai thác các đảo ven vịnh dùng làm công trình du lịch, đô thị hóa xây dựng resort xung quanh vịnh Nha Trang rất sôi động, ảnh hưởng rất lớn đến rạn san hô vịnh.

Thứ hai là du lịch Nha Trang tăng trưởng nóng, trong đó chỉ tập trung khai thác du lịch biển đảo, (lặn biển, neo đậu tàu thuyền, xả nước thải du lịch)… làm ảnh hưởng rất lớn tới rạn san hô, đặc biệt là phía Nam vịnh Nha Trang”, TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Hành động khi chưa quá muộn

TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, san hô chính là một chỉ báo cho sức tải của biển cả, chỉ báo cho sức khỏe môi trường biển, tiềm năng tài nguyên, nguồn lợi biển. Và những điều đang xảy ra với rạn san hô Nha Trang cho thấy vịnh đã đến giới hạn chịu đựng – ngay cả khi bị/được ngơi nghỉ do ảnh hưởng không ai mong muốn của Covid-19 thì trong một hai năm vịnh cũng không thể phục hồi được.

“Lâu nay vịnh đã chịu đựng nhiều rồi, nhưng nó không thể chịu mãi được. Nếu mình khôn ngoan không chạm vào ngưỡng thì được, còn nếu đã quá ngưỡng thì nó sẽ phá vỡ hệ sinh thái. Khi đó thì không còn gì cả, mình phải lục tục nhặt từng mẩu vài cm ở nơi khác mà cấy lại, vài chục, vài trăm năm sau chưa thể khôi phục được” - TS Nguyễn Hữu Huân nói thêm.

Về lâu dài, quy hoạch phát triển tổng thể của đô thị cần phải được xây dựng trên quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương, bởi nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Rạn san hô Nha Trang (và nhiều vùng khác ở Việt Nam) đều chịu chung một nghịch lý là trung tâm điều hòa khí hậu, môi trường, tài nguyên cho khu vực các vịnh, các đảo nhưng lại là vùng “bờ xôi ruộng mật” khiến bất cứ ai cũng mong muốn được canh tác, khai thác.

Giải pháp cấp thiết trước mắt là chính quyền Nha Trang nên tổ chức thu gom sao biển gai ở các rạn san hô trong vịnh để cứu ngay lấy san hô còn đang sống sót tương tự các nước như Australia, Nhật Bản, Polynesia… đều phải chi hàng triệu đô la diệt sao biển gai để cứu các rạn san hô.

Ngư dân địa phương cũng có thể làm được và được hưởng lợi từ việc thu gom sao biển gai này. Mặt khác, cần có quy chế yêu cầu chủ sở hữu các khu nghỉ dưỡng và khu du lịch đã san lấp, nạo vét, gây ảnh hưởng tới môi trường biển phải cải tạo vùng ven biển như góp phần xây dựng cho khu bảo tồn biển, nuôi trồng san hô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.