Rẻ nhưng vẫn “ế”
Từ ngày 25-1, Khu nhà ở dành cho sinh viên Pháp Vân chính thức đi vào hoạt động sau 4 năm xây dựng. Cùng với Khu nhà ở dành cho sinh viên Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm - Hà Nội), đây được xem như nỗ lực của thành phố nhằm giải quyết vấn đề nơi ăn chốn ở cho hàng chục nghìn sinh viên các trường đại học thuộc địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên An ninh Thủ đô, thời điểm hiện tại, số sinh viên chuyển đến ở chỉ chưa được 1/10 công suất phòng. Đây là điều ngạc nhiên bởi giá thuê chỉ 200 nghìn đồng/tháng, rất phù hợp với túi tiền eo hẹp của sinh viên.
Lê Thu Thủy, sinh viên năm thứ ba khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Công đoàn) cho biết: “Em nghe nói khu nhà ở dành cho sinh viên Pháp Vân bắt đầu cho thuê nên muốn đến tìm hiểu thực tế xem thế nào. Phải công nhận ở đây có mức giá khá rẻ, phòng ở khang trang, sạch sẽ, điện nước, vệ sinh đầy đủ, tuy nhiên cũng có nhiều thứ bất tiện. Vì thế em đang cân nhắc xem có nên chuyển chỗ ở hay không”. Chị Thủy hiện đang thuê trọ chung với 1 người bạn tại làng Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội) với mức giá 2 triệu đồng/tháng. Mặc dù nơi thuê trọ không hiện đại và đẹp, nhưng bù lại những sinh viên như chị không phải đi học xa.
Thêm nữa, khu vực xung quanh nơi chị học cũng thuận tiện trong sinh hoạt, chợ búa, nhiều hàng quán và các tụ điểm vui chơi. Trong khi đó, khu nhà ở dành cho sinh viên tại Pháp Vân khá biệt lập, việc đi lại cũng khó khăn. Cũng băn khoăn như chị Thủy, anh Lê Hoài Nam - sinh viên trường Đại học Xây dựng nói: “Nhìn phòng ở của khu nhà dành cho sinh viên này bọn em rất thích. Nhưng từ đây đến trường học cũng phải tới 5km, trong khi đó, nơi này lại không có tuyến xe buýt nào. Nếu em chuyển tới đây để ở thì việc đi lại là một trở ngại khá lớn”. Cũng theo anh Nam, một vấn đề khác mà nhiều sinh viên như anh còn băn khoăn là, mặc dù có mức giá thuê khá rẻ, chỉ 200.000 đồng/tháng, nhưng sinh viên phải ở ghép 8 người/phòng, do đó “sẽ rất phức tạp trong quan hệ, nhất là giữa những người lạ với nhau. Nếu ở ký túc xá trong trường, thường mọi người đều biết nhau vì học cùng khóa hoặc cùng lớp. Nhưng ở đây do toàn những người lạ, khác trường khác lớp nên mọi thứ khó có sự cảm thông và tin tưởng” - anh Nam cho hay.
Phòng ở khang trang sạch đẹp nhưng vắng vẻ
Sẽ hoàn thiện dần
Giống như khu nhà ở dành cho sinh viên, những khu nhà ở dành cho công nhân có mô hình tương tự cũng đã từng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Mặc dù cơ sở ở những nơi đây khá đẹp nhưng nhiều người vẫn thuê nhà dân với mức giá cao hơn để có được sự tự do và thuận tiện.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bên ngoài sự bất tiện về đi lại, phần lớn sinh viên tỏ ra khá dè dặt khi biết nếu ở tại những khu nhà này thì sẽ bị hạn chế việc ra vào, đặc biệt là buổi tối. Một nữ sinh viên cho biết: “Theo quy định sau 23h là ban quản lý sẽ khóa cổng, bảo vệ sẽ không cho bất cứ ai ra vào. Chúng em tuổi còn trẻ nhiều lúc đi chơi, đi học hoặc đi làm thêm về muộn sẽ lâm vào tình cảnh rất khó xử. Không thể lúc nào cũng xin xỏ bảo vệ được, chẳng lẽ mình có nơi ở hẳn hoi mà những lúc như thế lại phải đi thuê nhà nghỉ bên ngoài để tá túc? Đó là chưa kể việc có bạn bè hoặc người thân đến chơi, chúng em cũng không được tiếp khách trong phòng mà phải ra phòng sinh hoạt cộng đồng”.
Ông Phạm Minh Dũng - Trưởng bộ phận tiếp nhận và quản lý khu nhà ở sinh viên Pháp Vân cho biết: Mặc dù khu nhà ở dành cho sinh viên Pháp Vân rất sạch đẹp, tiện nghi và giá rẻ nhưng các em vẫn chưa mặn mà bởi nhiều em chưa có thói quen sinh hoạt tập thể và có kỷ luật. “Tôi lấy ví dụ như nhiều em đến đăng ký ở, nhưng lại đòi hỏi việc nấu nướng trong phòng ở là rất vô lý. Tại tầng 1 chúng tôi đã bố trí bếp ăn, căng tin, các quầy bán nhu yếu phẩm. Một suất ăn tại đây có giá chỉ từ 15.000 đồng, các em hoàn toàn có thể xuống đặt suất ăn theo ý muốn. Việc nấu nướng tại phòng ở sẽ gây luộm thuộm, mất vệ sinh chung cho cả phòng. Còn việc đi sớm về muộn chúng tôi có quy định giờ giấc là để nhằm đảm bảo an ninh trật tự chung cho toàn bộ khu nhà. Vấn đề này chúng tôi sẽ có biện pháp tháo gỡ để linh động hơn” - ông Dũng nói.
Đối tượng: Học sinh, sinh viên, học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh tại các trường ĐH, CĐ, TCCN, CĐ nghề, TC nghề.
Hồ sơ: Đơn đề nghị thuê nhà ở sinh viên (có xác nhận của cơ sở đào tạo).
Bản sao công chứng các loại giấy tờ chứng minh sinh viên thuộc diện ưu tiên (nếu có).
Bản photo CMND (xuất trình CMND gốc để đối chiếu).
Bản photo thẻ sinh viên hoặc giấy báo nhập trường - đối với sinh viên năm thứ nhất (xuất trình bản gốc để đối chiếu).
2 ảnh 3x4.
Giá thuê: 205.000đ/tháng (thu theo học kỳ 5 tháng).