Sinh động giờ học lịch sử địa phương

GD&TĐ - Đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới, hoạt động giáo dục địa phương được nhiều trường học ở TP Cần Thơ quan tâm.

HS tiểu học TP Cần Thơ tham quan và học tập tại Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông, quận Ninh Kiều.
HS tiểu học TP Cần Thơ tham quan và học tập tại Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông, quận Ninh Kiều.

Các khu di tích lịch sử, làng nghề truyền thống là địa chỉ đỏ để thầy, trò thường xuyên đến trải nghiệm, học tập…

Lồng ghép trong dạy học

Lồng ghép giáo dục địa phương trong giờ học được ngành Giáo dục TP Cần Thơ khuyến khích các trường thực hiện từ nhiều năm trước. Trong những tiết dạy học, GV đã linh động mở rộng kiến thức cho HS biết đến các khu di tích, làng nghề truyền thống của quê hương mình.

Khi triển khai Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm được đẩy mạnh. Chương trình giáo dục địa phương để HS tìm hiểu về vùng đất nơi mình đang sinh sống chiếm đến 20%. Do đó, các hoạt động giáo dục địa phương càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ. 

Theo lãnh đạo một số trường học tiểu học ở TP Cần Thơ, năm học này, giáo dục địa phương được áp dụng chính thức cho lớp 1 theo Chương trình GDPT mới. Thầy Lê Kinh Đô - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Ninh Kiều cho biết: Nhà trường áp dụng giáo dục địa phương vào mô hình trường học điển hình đổi mới từ năm 2018. Mỗi lớp học đều xây dựng góc cộng đồng. Qua góc học tập này, thầy cô giáo sẽ giới thiệu về lịch sử, truyền thống TP Cần Thơ. Trường cũng chú trọng giáo dục lịch sử địa phương cho các khối 4, 5.

Trong Chương trình GDPT mới, chương trình giáo dục địa phương nhằm trang bị cho HS những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Từ đó, bồi dưỡng cho HS tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của cộng đồng dân cư các dân tộc địa phương… Theo ông Lê Thanh Long - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), giáo dục truyền thống địa phương được các trường tổ chức xuyên suốt từ khối lớp 1 - lớp 5.

Các thầy cô giáo lồng ghép trong từng chủ đề của chương trình. Những vấn đề trong bài học sẽ được GV mở rộng thêm kiến thức chứ không dạy thành tiết riêng. Đồng thời, mỗi trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể. Trong đó, đưa nội dung giáo dục trải nghiệm vào thời khoá biểu hợp lý, trên cơ sở vừa bảo đảm chương trình giáo dục chính khoá, nhu cầu giáo dục phát triển năng lực cá nhân của HS…

HS Cần Thơ trải nghiệm trò chơi dân gian tại bảo tàng.
HS Cần Thơ trải nghiệm trò chơi dân gian tại bảo tàng.

Chủ động tìm hiểu 

Thực hiện Chương trình GDPT mới, hầu hết các trường đều triển khai hoạt động trải nghiệm gắn với giáo dục địa phương cho HS. Các nội dung khi thực hiện có tính khoa học, thống nhất, phù hợp với tài liệu hướng dẫn dạy học các môn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Dựa vào tài liệu, GV có thể linh hoạt vận dụng, thay đổi để triển khai hoạt động phù hợp với địa phương của mình.

Theo cô Quang Thị Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Thới 2, quận Bình Thủy, vào đầu năm học, GV sẽ lên kế hoạch chung cho toàn trường về các hoạt động trải nghiệm gắn với giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương. Hàng tháng, các khối lớp sẽ đi thực tế 1 lần. Nhà trường tổ chức cho HS đến các khu di tích lịch sử trên địa bàn quận Bình Thuỷ tham quan, học hỏi. Qua đó, giúp HS nhận biết được về lịch sử và các khu di tích, văn hoá của địa phương mình. Đồng thời qua những câu chuyện kể của hướng dẫn viên nơi đây, các em hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương. Ngoài tham quan, tìm hiểu, các em cũng tham gia chăm sóc, vệ sinh các khu di tích.

Với hoạt động ngoại khoá, các trường tiểu học địa bàn quận Ninh Kiều xây dựng 2 mô hình là ngoại khoá tham quan các khu di tích lịch sử địa phương quy mô toàn trường hoặc theo quy mô từng lớp. Từ đầu năm học, GV lên kế hoạch thực hiện hoạt động dã ngoại một số nơi trên địa bàn, lồng ghép giáo dục địa phương qua việc đi tham quan các di tích lịch sử, làng nghề thủ công, khu căn cứ cách mạng, địa chỉ truyền thống hiếu học của TP Cần Thơ… 

Từ đầu năm đến nay, ngành Giáo dục Bình Thủy chỉ đạo và hướng dẫn các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm gắn với giáo dục truyền thống lịch sử địa phương, di tích lịch sử và văn hoá trên địa bàn. Qua đó giúp các em phát huy năng lực, đồng thời tạo điều kiện gặp gỡ giao lưu phát triển năng lực, hiểu được văn hóa, lịch sử địa phương để học tập tốt hơn. - Bà Lê Thị Hường - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ