Giải pháp giúp khuấy động giờ học Lịch sử

GD&TĐ - Từ thực tế dạy học, thầy Lê Minh Tường (Trường THPT Tháp Mười, Đồng Tháp) cho rằng, khó khăn lớn nhất mà giáo viên THPT dạy Lịch sử gặp phải hiện nay là học sinh không thích học Lịch sử, thậm chí còn sợ môn học này. Phần lớn học sinh cho rằng, Lịch sử chỉ cần học thuộc lòng, không cần phải hiểu bài, do đó thiếu tập trung nghe giảng…

Giải pháp giúp khuấy động giờ học Lịch sử

Học để đối phó cho các kì thi, không đầu tư nhiều, dẫn đến học sinh không hiểu lịch sử, không nắm được các sự kiện và không có khả năng khái quát để rút ra bài học, ý nghĩa lịch sử. Điều đáng buồn là nhiều học sinh không có khả năng phân tích đề, giáo viên đặt câu hỏi thì không biết trả lời, nhưng khi được nhắc câu hỏi đó nằm ở bài mấy, trang mấy, mục mấy thì lại trả lời được,…

Từ trăn trở này, thầy Lê Minh Tường chia sẻ giải pháp lồng ghép trò chơi vào các tiết dạy Lịch sử. Theo thầy Tường, trò chơi là một phương pháp rất tốt giúp học sinh thích học môn Lịch sử hơn. Vấn đề là phải lựa chọn trò chơi cho phù hợp mới đem lại hiệu quả như mong muốn. Trò chơi cho học sinh không được đơn điệu, mà luôn luôn phải làm giàu kiến thức.

Dưới đây là một số trò chơi được thầy Lê Minh Tường áp dụng trong dạy học Lịch sử đem lại hiệu quả cao:

Trò chơi ô chữ

Trò chơi này nếu thực hiện trên giáo án điện tử thì đơn giản và rất hấp dẫn. Tùy theo trình độ lớp, học sinh mà giáo viên đưa nội dung lịch sử vào ô chữ cho phù hợp.

Đối với những trường không có điều kiện sử dụng giáo án điện tử, giáo viên có thể tự làm như sau:

Trước tiên, giáo viên kẻ ô chữ có sẵn đáp áp lên tờ giấy rôki, đồng thời cắt từng ô chữ nhỏ dùng keo hai mặt dán phần đáp án lại. Tiếp theo, giáo viên chuẩn bị các câu hỏi liên quan tới ô chữ.

Cách thức tiến hành: Chia lớp thành 2 nhóm (tương ứng với hai dãy bàn), mỗi nhóm lần lượt cử đại diện chọn ô chữ. Nhóm nào giải được nhiều ô chữ hơn sẽ là đội chiến thắng và có thưởng (thưởng như thế nào là tùy vào giáo viên, có thể cho học sinh được cộng điểm vào các cột kiểm tra).

Trò chơi này có thể lồng ghép vào cuối tiết để cũng cố bài, cũng có thể sử dụng trong các bài ôn tập.

Trò chơi quay số

Theo phân phối chương trình, lịch sử khối 10 cơ bản học kì II là 2 tiết/tuần. Do vậy số lượng bài rất nhiều, rất khó nhớ, học sinh dễ bị nhầm lẫn kiến thức giữa hai giai đoạn từ thế kỉ X- XV và từ thế kỉ XVI-XVIII.

Ở hai giai đoạn này về bố cục gần như là giống nhau, đều tìm hiểu về kinh tế ( nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp), văn hóa ( tư tưởng- tôn giáo, giáo dục, văn học, nghệ thuật, khoa học - kĩ thuật)…

Để giúp học sinh không nhầm lẫn kiến thức giữa các giai đoạn, giáo viên có thể hướng dẫn các em tham gia trò chơi quay số.

Giáo viên cắt 2 tấm bìa dày hình đĩa tròn. Tâm mỗi đĩa có cắm đinh, đóng ngang nhau trên một tấm gỗ và có thể quay trên đinh. Hai đĩa cách nhau 5cm, ở giữa có 1 mũi tên 2 đầu, chỉ về hai đĩa, mũi tên cắt bằng giấy và dán cố định.

Đĩa bên trái chia làm 3 múi: ghi các thế kỉ X – XV; thế kỉ XVI – XVIII; nửa đầu thế kỉ XIX. Đĩa bên phải chia làm 10 múi, ghi 10 đề mục: triều đại, tổ chức bộ máy nhà nước, tình hình nông nghiệp, tình hình thủ công nghiệp, tình hình thương nghiệp, tư tưởng – tôn giáo, văn học, nghệ thuật, khoa học - kĩ thuật, giáo dục.

Cách thức chơi: từng học sinh tham gia trò chơi lần lược quay đĩa bên trái chọn thế kỉ, rồi quay đĩa bên phải chọn nội dung. Mũi tên chỉ vào múi nào thì phải trả lời nhanh và đủ các sự kiện đó.

Tùy theo trình độ học sinh mà giáo viên có thể chọn hình thức chơi, nếu lớp giỏi thì chia nhóm cho thi đấu, có thể gọi từng học sinh để kiểm tra (học sinh trả lời đúng có quyền chỉ bạn kế tiếp, giáo viên có thể kết hợp cho điểm đối với những bạn trả lời đúng) và giáo viên cũng có thể sử dụng để hệ thống lại kiến thức. Trò chơi này sử dụng vào các tiết ôn thi cuối kì thì hiệu quả hơn.

Trò chơi ai nhanh hơn

Trò chơi này có thể áp dụng cho tất cả các tiết dạy trên lớp, giáo viên không mất thời gian chuẩn bị nhiều, hiệu quả đem lại cũng rất cao.

Giáo viên chuẩn bị sẵn 2 bảng phụ, viết (nếu không có bảng phụ giáo viên có thể kẻ trực tiếp lên bảng). Trên bảng phụ chỉ ghi các tiêu đề chính, phần nội dung để cho học sinh ghi, chia lớp thành hai nhóm (tương ứng với hai dãy bàn).

Phổ biến luật chơi: Lần lượt từng học sinh của mỗi nhóm sẽ lên bảng điền nội dung vào (lưu ý mỗi học sinh chỉ điền một nội dung rồi về chỗ, chuyển viết cho bạn khác lên điền tiếp). Đội nào hoàn thành nhanh và đúng nhất là đội chiến thắng.

Ví dụ khi dạy xong bài 4: Các quốc gia cổ đại phương tây Hi Lạp và Rôma (Lịch sử 10 - chương trình chuẩn), giáo viên yêu cầu học sinh so sánh, sự khác nhau giữa các quốc gia cổ đại phương đông với các quốc gia cổ đại phương tây về: điều kiện tụ nhiên, nền tảng kinh tế, thời gian hình thành nhà nước, thể chế chính trị, lực lượng lao động chính,...

Tùy vào thực tế từng bài mà giáo viên lựa chọn nội dung cho phù hợp. Đối với những dạng bài có nội dung, lập bảng thống kê kiến thức, so sánh, giáo viên nên sử dụng trò chơi này.

Để đem lại hiệu quả cao hơn, giáo viên nên chia lớp ra thành nhiều nhóm nhỏ và giành khoảng 5 phút cho các em thảo luận trước khi lên bảng trình bày kết quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ