Singapore: Triển khai chương trình giáo dục về tính bền vững

GD&TĐ - Khi thế giới “căng” mình chống lại biến đổi khí hậu, Singapore xây dựng Chương trình Quản lý sinh thái nhằm giáo dục học sinh về tính bền vững, trong đó có bền vững về môi trường.

Học sinh Trường Tiểu học số 1 Tee Moh học cách phân loại rác tái chế.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Tee Moh học cách phân loại rác tái chế.

Chương trình được lồng ghép trong các môn học và thông qua trải nghiệm thực tế để tạo dựng thói quen bảo vệ môi trường cho các thế hệ tiếp theo.

Sau khi Pratibha Naidu, 16 tuổi, học sinh Trường THCS Tampines, Singapore, được dạy về tính bền vững về môi trường tại trường, em quyết định giảm lượng khí thải trong sinh hoạt. Đơn cử, thay vì di chuyển bằng taxi, em chọn đi phương tiện công cộng dù mất nhiều thời gian hơn.

“Bọn cháu được dạy rằng con người có quyền tự do giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày một nghiêm trọng. Những thay đổi của cháu có thể giúp ích cho môi trường nên cháu rất vui”, Naidu cho hay.

Trường THCS Tampines là một trong bốn trường thí điểm giảng dạy Chương trình Quản lý sinh thái do Bộ Giáo dục Singapore xây dựng. Chương trình nhằm nuôi dưỡng thói quen bền vững trong mọi khía cạnh cuộc sống cho thế hệ tiếp theo, bắt đầu từ bền vững về môi trường. Các môn học như nhân văn, khoa học, giáo dục nhân cách và công dân cũng lồng ghép nội dung về tính bền vững.

Trong đó, tính bền vững được hiểu là đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai. Ba trụ cột của tính bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội.

Ở Trường THCS Tampines, học sinh được dạy về lĩnh vực năng lượng tái tạo và khai thác năng lượng mặt trời của Singapore. Trong giáo dục về thực phẩm và người tiêu dùng, giáo viên nói về rác thải thực phẩm ở Singapore và yêu cầu học sinh suy nghĩ về lượng thực phẩm bị vứt bỏ và lượng khí thải carbon mà nó gây ra.

Còn ở môn Hóa học, sinh viên được tìm hiểu về các khí độc hại thải ra môi trường do các hoạt động của con người. Trong khi ở môn Giáo dục nhân cách và công dân, học sinh đi sâu vào chủ đề đốt chất thải điện tử gây nguy hiểm như thế nào đối với con người. Tiếp đó là xử lý đúng cách ổ rác thải điện tử.

Ngoài chương trình giảng dạy có cấu trúc, học sinh thường xuyên dọn rác trong lớp học. Mỗi lớp chọn ra hai học sinh làm “đại sứ xanh” nhằm đảm bảo những vật dụng có thể tái chế được bỏ vào đúng thùng chứa.

Cô Seri, giáo viên môn Địa lý và Nghiên cứu xã hội, cho biết: “Tôi hy vọng được thực hành thường xuyên giúp thanh, thiếu niên hình thành những thói quen sống lành mạnh. Tôi rất vui khi thấy các em hào hứng với việc phân loại rác. Những điều này sẽ trở thành thói quen nhưng xây dựng văn hóa cần có thời gian”.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học số 1 Mee Toh, giáo dục về môi trường bắt đầu từ khi trẻ đến lớp. Là một trong bốn trường tham gia Chương trình Quản lý sinh thái, Trường Tiểu học số 1 Mee Toh yêu cầu tất cả học sinh học cách phân loại rác tái chế và sử dụng đồ tái chế hợp lý.

Nằm trong chương trình học tập ứng dụng về giáo dục môi trường, học sinh lớp 2 học về đa dạng sinh học và cách trân trọng thiên nhiên, môi trường thông qua làm áp phích, thuyết trình. Học sinh lớp 3 tìm hiểu về an ninh lương thực và được trồng rau. Các em trồng theo phương pháp thủy canh, trồng nấm. Một nửa thành phẩm thu hoạch bán trong căng-tin, nửa còn lại quyên góp cho viện dưỡng lão.

Cô Eleanor Quek, 35 tuổi, cố vấn giáo dục môi trường, cho biết: Chương trình Quản lý sinh thái không chỉ tích hợp trong các môn học, mà thông qua những trải nghiệm của học sinh khi tự trồng thực phẩm. Bằng cách này, học sinh cũng học cách tránh lãng phí thực phẩm.

Theo Straits Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ