Singapore: Trường mầm non xoay xở khi số ca nhiễm tăng

GD&TĐ - Khi số ca nhiễm tại Singapore tăng, trong đó nhiều trường hợp là trẻ nhỏ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non phải đối mặt với áp lực, căng thẳng khi khối lượng công việc ngày một lớn.

Trẻ em Singapore xếp hàng rửa tay trước giờ ăn trưa.
Trẻ em Singapore xếp hàng rửa tay trước giờ ăn trưa.

Vào tháng 2, Cơ quan Phát triển Mầm non (ECDA) yêu cầu các trường mầm non rà soát lịch sử dịch tễ của trẻ em nhiễm bệnh, do Bộ Y tế (MOH) công nhận, và thông báo cho phụ huynh. Theo quy định của ECDA, trước khi đi học trở lại, trẻ mầm non phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19.

Để đảm bảo an toàn trong trường học, nhân viên không cho trẻ có nguy cơ cao đi học nếu bố mẹ các em từ chối thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19. Một số trung tâm chăm sóc trẻ em, trường mẫu giáo phải thiết kế lối đi riêng cho phụ huynh và trẻ nhỏ chưa có kết quả xét nghiệm nhanh.

Bà Magdelene Ang, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nanyang, cho biết thách thức ngày càng lớn khi một số phụ huynh không thông báo với nhà trường việc con cái họ mắc bệnh. Ngoài ra, giáo viên phải túc trực 24/7 để xử lý công việc, rà soát lịch sử dịch tễ của trẻ nhỏ rồi thông tin cho phụ huynh, nhân viên.

Một số trường rơi vào tình cảnh thiếu nhân lực, đặc biệt những nơi không có giáo viên chi viện. Bà Shirley Tan, Giám đốc hệ thống giáo dục mầm non Công giáo, gồm 10 cơ sở, cho biết: Điều khiến chúng tôi đau đầu nhất hiện nay là một giáo viên có kết quả xét nghiệm dương tính. Sẽ không tìm được giáo viên khác thay thế trông coi lớp học còn các em nhỏ không thể tự mình xoay xở.

Tại một số đơn vị cơ sở, hiệu trưởng phải nấu bữa trưa hoặc dạy học vì số lượng nhân viên mắc Covid-19 tăng.

Hai tuần trước Tết Nguyên đán, trung tâm chăm sóc trẻ Little Kinder Montessori ghi nhận 4/8 nhân viên dương tính với Covid-19. Bà Yvonne Law, giám đốc trung tâm cho biết nhà trường phải bố trí các buổi học so le nhằm duy trì hoạt động của trung tâm và nhân viên không phải làm việc quá sức.

“Chúng tôi biết ơn phụ huynh vì đã ủng hộ, thông cảm với nhà trường trong giai đoạn khó khăn này. Nhờ đó chúng tôi có thể vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời về nhân lực”, bà Yvonne bày tỏ.

Bên cạnh đó, các trường mầm non cũng phải đối mặt với chỉ trích từ phía phụ huynh, nhân viên nhà trường vì yêu cầu kiểm tra chứng nhận khỏi Covid-19.

Nhiều người đã chấp hành quy định cách ly nhưng không có giấy báo xác nhận khả năng hồi phục từ cơ quan y tế. Do đó, khi trở lại trường, trẻ nhỏ và nhân viên buộc phải chi trả một số xét nghiệm chứng minh đã khỏi bệnh.

Theo bà Magdelene Ang, để hỗ trợ các trường mầm non phòng chống dịch Covid-19, phụ huynh không nên đưa trẻ đến trường nếu các bé cảm thấy không khoẻ và phải có trách nhiệm cập nhật thông tin cho nhà trường.

Khi tỷ lệ tiêm chủng tại Singapore cao hơn, lãnh đạo các trường mầm non, trung tâm chăm sóc trẻ em bày tỏ hy vọng các quy định Covid-19 sẽ được nới lỏng để giáo viên tập trung hơn trong công tác giảng dạy còn trẻ nhỏ có thể tự do vui chơi.

Theo Straits Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ