Bộ Giáo dục quyết định bảo đảm, tất cả HS có laptop cá nhân hoặc máy tính bảng vào cuối năm sau.
Không còn khoảng cách
Trong bài phát biểu tại Hội thảo về Kế hoạch làm việc thường niên với lãnh đạo các trường học, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung đã giải thích việc chuyển sang học tại nhà trong thời gian giãn cách đã giúp cho Bộ GD xúc tiến Chương trình xóa mù về kỹ thuật số quốc gia.
"Trong chớp mắt, mọi GV chuyển sang dạy trực tuyến. Những người am hiểu về CNTT đã hướng dẫn cho người không biết. Phụ huynh giúp thiết lập không gian trong nhà để con cái họ có thể tập trung vào việc học, giám sát các em và họ chấp nhận cách học này. Trong cuộc khủng hoảng, vì sự cần thiết, chúng ta đã đạt được điều gì đó khá phi thường, đó là việc chấp nhận học trực tuyến trên quy mô lớn", ông nói.
Theo vị Bộ trưởng Giáo dục, việc học trực tuyến đã làm nổi bật thách thức về khoảng cách trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nhiều HS không có thiết bị để học tại nhà, khiến các trường phải cho các em mượn hơn 20.000 thiết bị kỹ thuật số và hơn 1.600 thiết bị kết nối.
"Giờ đây chúng ta đã thu hẹp được khoảng cách trong học trực tuyến, đã đến lúc đóng lại khoảng cách về kỹ thuật số này", ông nhấn mạnh.
Chương trình học tại nhà
Theo Bộ trưởng Ong Ye Kung, nước này sẽ biến việc học tại nhà trở thành một phần của chương trình học và việc này có thể bắt đầu từ các trường tiểu học và trung học với tần xuất 2 tuần một lần. Học trực tuyến đã trở thành một thực tế. Chúng ta học được rất nhiều từ Internet, từ việc tìm kiếm "Google", sớm muộn gì thì các hệ thống giáo dục cũng sẽ phải chấp nhận và áp dụng nó.
"Chúng tôi đã có một số bước đi thông qua chương trình Không gian học tập của HS và Chương trình xóa mù kỹ thuật số. Đại dịch Covid-19 đã làm tăng tốc toàn bộ quá trình này và giúp chúng tôi mở rộng quan điểm để nói rằng "thực sự, chúng ta có thể làm nhiều hơn và tốt hơn", ông nói.
Theo Bộ trưởng, lợi ích chính là việc học tập độc lập. HS tự học, không có áp lực, không có bạn bè và thầy cô tại nhà. Khi đó các em phải thực hành sự độc lập, học tập bằng trí tò mò. Nếu làm thường xuyên, có khả năng HS sẽ khắc sâu điều này như một thói quen học tập suốt đời.
"Chúng ta phải chấp nhận rằng học trực tuyến rất có lợi, nhưng cũng phải thừa nhận chúng ta không thể loại bỏ hoặc thay thế việc học trên lớp hoàn toàn... Chúng ta cần dạy và học trực tiếp vì đó là khi chúng ta có thể truyền tải các giá trị, áp dụng thực hành, thảo luận dự án... GD về cơ bản là một quá trình xã hội" – ông nói.
Điều hợp lý là nên lấy học tại nhà bổ sung cho học trên lớp, làm cho việc học tại nhà trở thành tính năng thường xuyên, lâu dài của GD.
Khi đề cập tới những mặt trái của học trực tuyến như tăng thời gian nhìn màn hình, dễ bị bắt nạt trên mạng, có khả năng truy cập các trang web không mong muốn... Bộ trưởng Ong Ye Kung cho rằng, cần chấp nhận thực tế là hầu hết trẻ em đều có thiết bị riêng và một mình sử dụng, do đó các em đã tiếp cận với những mặt trái trên rồi. Vậy tại sao chúng ta không chống lại nó bằng cách lấp đầy khoảng trống bằng cái gì đó tích cực, ví dụ như học trực tuyến?
Đầu năm nay, Bộ trưởng Giáo dục tuyên bố sẽ mở rộng và nhấn mạnh giáo dục tính cách và công dân (CCE). Covid-19 đã mang đến những bài học về CCE tới cuộc sống, về cá nhân và trách nhiệm xã hội, về sự chăm sóc người khác, về việc trở nên mạnh mẽ hơn. CCE cũng bao gồm kiến thức về kỹ thuật số, an toàn trên không gian mạng và sức khỏe tâm thần. Ngoài ra còn có sự hiểu biết về tài chính, chi tiêu thế nào, lập ngân sách ra sao, tiết kiệm những gì... Đây là những kỹ năng cơ bản mà trẻ em cần trong cuộc sống.
Đại dịch đã để lộ sự phân cách và bất bình đẳng trong trẻ em, các trường phải tăng cường nỗ lực giúp các em và gia đình ở nhiều mặt khác nhau. Cần phải làm nhiều việc nữa để nối liền những khoảng cách này.
Đòn bẩy cho xã hội
Theo ông Ong Ye Kung, nhiều năm nay, một số người cho rằng hệ thống GD Singapore tạo ra sự bất bình đẳng, chủ nghĩa tinh hoa... Chỉ khi HS phải học tại nhà mọi người mới nhận ra trường học đang làm nhiều hơn việc cung cấp giáo dục. Họ cung cấp thực phẩm, chăm sóc sau giờ học, tư vấn cho HS. Đây được xem là một đòn bẩy chính của xã hội, sự bất bình đẳng sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có trường học. Khi những em này được nhận tiền để mua thực phẩm, người ta nhận ra rằng nhiều em thiếu sự hỗ trợ tài chính từ gia đình. Điều này nhấn mạnh một sự cần thiết khác: Cần làm nhiều hơn nữa để bảo đảm có nguồn tài chính tốt hơn từ khi còn trẻ - theo ông Ong.
Ngoài ra, đối với SV ĐH, theo Bộ trưởng GD Singapore, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, ngành nghề thay đổi nhanh chóng, việc giải quyết các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội đòi hỏi SV cần phải có kiến thức rộng hơn, vượt ra khỏi ngành học của mình. Khi tham gia vào thị trường lao động, họ sẽ phải tự hỏi mình cần kỹ năng và kiến thức gì trong 1 - 2 năm nữa. Đại dịch Covid-19 đã làm tăng tốc xu hướng này và SV trở thành những người học linh hoạt và thích nghi với hoàn cảnh hơn.